Cách mạng Tháng Tám – Biểu tượng của cuộc đấu tranh kỳ diệu

       Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam năm 1945 là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó. Đây cũng là động lực để các chuyên gia, nhà sử học quốc tế tìm tòi, nghiên cứu về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Bức ảnh “Ngày độc lập”, trong bộ sưu tập của Giáo sư người Pháp Phi-líp Đờ-vi-lê (Phillippe Devillers) trưng bày tại Nhà thông tin Tràng Tiền, nhân dịp 2-9-2010. Nguồn: Internet

 

Sự kiện quan trọng nhất sau Cách mạng Tháng Mười Nga

Trong bối cảnh lịch sử chung của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, Đông Nam Á nói riêng, với thời cơ thuận lợi giống nhau, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam nổ ra đúng lúc, kịp thời cơ và thắng lợi triệt để. Do đó, ảnh hưởng của cuộc cách mạng này sâu rộng ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224, tác giả Thô-mát Hót-kin (Thomas Hodgkin), người Anh, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.

Nhà sử học Na Uy Xtên Tôn-nét-xơn (Stein Tonnesson) trong cuốn sách “Cách mạng Việt Nam năm 1945, Ru-xơ-ven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một cuộc chiến tranh thế giới”, xuất bản năm 1991, cũng cùng chung nhận định rằng, Cách mạng Việt Nam quan trọng vì không phải đơn thuần xảy ra trong bối cảnh Việt Nam. “Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu về một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cuộc cách mạng của người Việt Nam có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”, nhà sử học Tôn-nét-xơn nhấn mạnh.

Sự tất yếu mang tính logic

Theo nhà sử học Sác-lơ Phuốc-ni-ô (Charles Fournieau), nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, Cách mạng Tháng Tám đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Không những thế, thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng Tháng Tám có vai trò đặc biệt quan trọng.

A-lanh Ru-xi-ô (Alain Ruscio) là một trong những nhà sử học ở Pháp rất quan tâm và đi sâu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Theo nhà sử học này, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Ông nhấn mạnh, đây là sự kiện trọng đại của cả dân tộc Việt Nam.

Đồng quan điểm với hai nhà sử học trên, nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp Đa-ni-en Ru-xen (Daniel Roussel) còn khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng cuộc đấu tranh kỳ diệu của nhân dân Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Dù có những nhận xét phong phú về thành công của Cách mạng Tháng Tám, nhưng các nhà sử học nước ngoài đều cùng chung một quan điểm khi cho rằng, có được thành công trên là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn tới việc chính thức lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.