Trẻ em mắc bệnh tay chân miệng gia tăng

(THTG) Theo số liệu của Sở Y tế Tiền Giang, từ đầu năm đến cuối tháng 8, toàn tỉnh ghi nhận 746 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm trên 50% so cùng kỳ năm 2014, 1 cas tử vong. Tuy nhiên, bước vào tháng 9, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng gia tăng. Thời điểm này khoa Nhi bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang trung bình mỗi tuần tiếp nhận điều trị và nhập viện từ 20 đến 25 trẻ bệnh tay chân miệng.

1

Ảnh: Phi Phụng

Ngành Y tế khuyến cáo: bệnh tay chân miệng xảy ra rải rác quanh năm và đỉnh điểm của bệnh là tháng 10, 11 do tới mùa của bệnh này và trẻ bắt đầu tập trung đi học, thời tiết thuận lợi cho virút gây bệnh phát triển. Nên dự báo thời gian tới số trẻ mắc bệnh này nhập viện còn tăng cao.
Bệnh tay chân miệng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, tiếp xúc trực tiếp từ phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Triệu chứng bệnh là trẻ bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, có vết loét đỏ hay bỏng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, bỏng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, kẽ mông, trẻ có thể bị sốt nhẹ. Bệnh diễn tiến nặng, gây ra những biến chứng như: viêm màng não, viêm cơ tim hoặc phù phổi cấp, thường nguy hiểm và dễ dẫn đến tử vong nhanh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Vì vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu nặng như: sốt cao, ngủ li bì, giật mình, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững, nôn ói nhiều, thở nhanh, mệt, yếu liệt chi thì phải nhanh chóng cho trẻ nhập viện để điều trị./.

Thanh Xuân