Chuyên gia Úc: ASEAN và Biển Đông đều rất quan trọng với Australia

Các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông động chạm trực tiếp đến lợi ích và an ninh của xứ Kangaroo.

Australia cần ASEAN trong bảo đảm an ninh khu vực

Mang gốc gác châu Âu nhưng lại có vị trí địa lý gần Đông Nam Á, từ lâu Australia đã tìm kiếm an ninh từ khu vực. Các mối đe dọa an ninh truyền thống như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang đe dọa an ninh châu Á – Thái Bình Dương và có thể sẽ đặt khu vực vào một tình thế rất khó khăn. Và chìa khóa để bảo vệ và duy trì an ninh khu vực chính là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Hải quân Australia (ảnh: seapowerconference)

Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến một số nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines mà còn có tác động sâu rộng hơn trên cơ sở sức mạnh đang ngày một tăng lên của Trung Quốc. Yêu sách “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có khả năng sẽ động chạm vào lợi ích của Indonesia, và sau đó là Australia.

Các tranh chấp trên Biển Đông không phải điều mới, nhưng mức độ ảnh hưởng của chúng đã thay đổi đáng kể từ khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn và hung hăng hơn, cũng là lúc Philippines và một số nước Đông Nam Á tìm cách đẩy lùi các hành động của Trung Quốc.

Trong tranh chấp gần đây với Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện một chiến thuật khôn ngoan để tránh được phản ứng phối hợp từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, liệu các nước ASEAN có thực sự mong muốn diễn đàn của họ bị gạt ra ngoài lề khi nói đến các vấn đề an ninh? Liệu ASEAN có thực sự mong muốn thực hiện theo đề nghị giải quyết song phương các tranh chấp? Liệu hệ lụy các cách tiếp cận này đã được tính đến?

Các nhà bình luận chuyên nghiệp của Australia chắc chắn nhìn thấy giá trị trong việc ASEAN đạt được một tiếng nói chung và Australia đã hành động một cách nhất quán để tăng cường khả năng của mình cũng như quyết tâm hành động một cách chặt chẽ và mạch lạc vì mục đích này. Mỹ và Philippines đã thắt chặt thêm liên minh an ninh chung, Nhật Bản cũng cung cấp hỗ trợ rõ rệt cho Philippines, Việt Nam và những nước khác trong khu vực để đối phó với áp lực ngày càng tăng.

Tuy nhiên, những gì mà Mỹ, Nhật Bản hay Australia có thể làm cũng có giới hạn khi nói tới những mối quan tâm trực tiếp của các quốc gia ASEAN – và Trung Quốc biết rất rõ điều này để luôn đảm bảo các hành động của họ không vượt quá ngưỡng kích hoạt sự can thiệp của bên ngoài, nhất là theo hướng nghiêng về bất kỳ một nước ASEAN nào có yêu sách trên biển Đông. Một lý do quan trọng cho sự do dự của những nước như Mỹ không can dự trực tiếp là vì những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông vẫn đang trong quá trình tranh chấp và chưa được giải quyết trước tòa án trọng tài quốc tế. Việc Trung Quốc khăng khăng giải quyết tranh chấp theo con đường song phương chứ không phải đa phương cũng là một biện pháp để gạt ASEAN ra ngoài lề.

Câu hỏi vẫn là: liệu các nước ASEAN có dành đủ sự quan tâm cho đoàn kết trong khu vực hay không – đặc biệt là trong trường hợp các nước không có yêu sách và quyền lợi trong tranh chấp Biển Đông?

Để đạt được một giải pháp phù hợp với lợi ích của ASEAN, các nước ASEAN ngoài tranh chấp cần được chuẩn bị để hỗ trợ những người đồng nhiệm của mình, phối hợp tìm ra biện pháp giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên, và sau đó là đưa ra một quan điểm thống nhất để thảo luận với các đối tượng bên ngoài (như Trung Quốc). Nhiều khả năng Trung Quốc có thể chấp nhận các dàn xếp thỏa hiệp với các nước ASEAN nếu Hiệp hội thống nhất được trong việc đề xuất một giải pháp cho các tranh chấp ngày càng gia tăng.

Về phần mình, Australia có lợi ích rõ ràng trong việc ASEAN trở nên mạnh mẽ và có năng lực hơn, trở thành một cơ chế hợp tác hiệu quả vì lợi ích của tất cả.

Australia là một quốc đảo mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào thương mại trên biển. Các tuyến đường thương mại hàng hải chính là huyết mạch của Australia và một phần rất lớn các tuyến đường này đều đi qua Biển Đông. Vì vậy, Australia có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực này.

Đối với Australia, thuật ngữ “Indo-Pacific” (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) được đưa vào sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, một phần vì nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ và Ấn Độ Dương đối với an ninh và thịnh vượng của Australia cũng như của khu vực. Rốt cuộc, phần lớn thương mại đi qua khu vực này, dọc theo con đường tơ lụa trên biển kết nối châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Đại dương và châu Mỹ.

Thuật ngữ này cũng bao gồm tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ trong khu vực. Một phần quan trọng của việc định nghĩa lại khu vực với khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương còn khẳng định vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Đây là điểm gặp gỡ của nhiều tuyến thương mại Đông – Tây và Bắc – Nam. Australia coi Đông Nam Á là trung tâm của Ấn Độ – Thái Bình Dương – ở ngã tư đường giữa Đông Á và Nam Á và ngay phía Bắc của Australia.

Australia có lợi ích lớn và lâu dài trong giải quyết hòa bình các tranh chấp cùng như xây dựng các liên kết kinh tế và thương mại hiệu quả để thắt chặt hơn các nước vào một nền kinh tế hội nhập khu vực, trong đó Australia đóng vai trò góp phần cùng với các nước ASEAN và các cường quốc khác trong khu vực cùng thúc đẩy an ninh và ổn định.

Thời điểm để lựa chọn đã đến, ASEAN cần dựa vào chính mình và Australia cần dựa vào ASEAN. Đó là khác biệt của sự lựa chọn giữa việc bị nhấn chìm hay tiếp tục bơi trong vùng biển âm u của ngày hôm nay.>>/.

PV/VOV.VN