Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về vụ rơi máy bay MH17

Sáng 22/7 theo giờ Hà Nội (tức tối 21/7 theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu “quyền tiếp cận không giới hạn tới hiện trường vụ việc” và các nỗ lực hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra quốc tế nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân gây nên vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines tại miền Đông Ukraine hôm 17/7.

 

 Đại diện 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nhất trí thông qua
nghị quyết do Australia đệ trình về vụ rơi MH17 tại miền Đông Ukraine. (Ảnh: EPA)

 

Dự thảo nghị quyết này do Australia, nước có 28 công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17, đệ trình. Dự thảo nghị quyết được tất cả 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua sau khi có một số điều chỉnh về từ ngữ, trong đó có việc thay cụm từ “bắn hạ máy bay” bằng cụm từ “rơi máy bay”. Nguồn tin ngoại giao cho biết, trong quá trình trao đổi, Nga và Trung Quốc đề xuất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không “tiên đoán” trước về kết quả điều tra. Một số quốc gia thành viên khác cũng nhấn mạnh rằng không nên đưa ra một kết luận nào cho tới khi cuộc điều tra toàn diện kết thúc, cho rằng việc nghị quyết sử dụng từ “bị bắn hạ” là điều không chấp nhận được.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã “dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” để lên án vụ rơi máy bay của Malaysia tại miền Đông Ukraine, hôm 17/7 khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Qua đó, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh tính cần thiết của việc thực hiện một chiến dịch điều tra quốc tế một cách “toàn diện, kỹ lưỡng và độc lập” về vụ tai nạn, dựa trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc hàng không dân sự quốc tế.

Bản nghị quyết bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các thông tin cho rằng các lực lượng chức năng không được tiếp cận tự do, đầy đủ tới hiện trường vụ rơi MH17; đồng thời kêu gọi ngừng mọi hoạt động quân sự tại khu vực lân cận hiện trường vụ rơi máy bay nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động điều tra quốc tế. Nghị quyết yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực xảy ra vụ rơi MH17 và các vùng lân cận “kiềm chế” trước các hành vi có thể gây ảnh hưởng tới hiện trường vụ tai nạn.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi các nước và các nhà hoạt động trong khu vực cần hợp tác đầy đủ trong công tác điều tra quốc tế, gồm cả việc tôn trọng ngay lập tức và bảo đảm quyền tiếp cận không giới hạn tới hiện trường vụ tai nạn.

Trong một phản ứng tức thời ngay sau khi bản nghị quyết về vụ rơi MH17 được 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng loạt thông qua, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã ví “đây là một phản ứng rõ ràng của cộng đồng quốc tế trước một hành động đáng bị lên án mạnh mẽ”. Bên cạnh đó, bà Bishop cũng kêu gọi Nga sử dụng tầm ảnh hưởng trong khu vực nhằm bảo đảm rằng các lực lượng tự vệ ở miền Đông Ukraine sẽ hợp tác và tuân thủ các yêu cầu của Liên hợp quốc.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Tonny Abbott cũng hoan nghênh bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định, Australia sẽ làm mọi điều có thể nhằm bảo đảm vụ việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng.

Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans cũng chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Australia và kêu gọi trách nhiệm của Nga trong vụ rơi MH17.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Viltaly Churkin nhấn mạnh, ông hưởng ứng bản nghị quyết đề cập tới việc nhấn mạnh vai trò của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như vai trò tiên phong của Hà Lan trong công tác điều tra vụ rơi MH17.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh hoan nghênh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về vụ rơi MH17, đồng thời kêu gọi tất cả các bên có liên quan cần hợp tác và thực thi một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Ông Vương Nghị nhấn mạnh, ICAO cần đóng vai trò chủ chốt trong công tác điều tra vụ rơi MH17 và các nhà điều tra quốc tế cần có quyền tiếp cận đầy đủ tới hiện trường vụ rơi MH17. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tại Ukraine cần thực hiện một lệnh ngừng bắn trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời tiến hành các cuộc đối thoại, tham vấn nhằm hướng tới một giải pháp toàn diện, lâu dài và cân bằng về chính trị” – ông Vương Nghị nói./.

Nguồn ĐCSVN