Cảm nhận của bạn bè quốc tế về Tết Việt

Đối với những người nước ngoài hiện đang công tác tại Việt Nam, cả những người công tác lâu năm ở Việt Nam và cả những người mới đến, Tết Việt Nam luôn để lại những ấn tượng sâu sắc. Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận về Tết Cổ truyền Việt Nam của các đại diện cơ quan ngoại giao và các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam, Xomphon Sychaleun   

“Sang đảm nhiệm cương vị Đại sứ tại Việt Nam đã gần hai năm, nhưng cứ đến những ngày giáp Tết Cổ truyền Việt Nam, tôi lại cảm thấy như được hòa mình vào không khí tấp nập chuẩn bị đón Tết của nhân dân Việt Nam”. Đó là cảm nhận của Đại sứ đặc mệnh nước CHDCND Lào tại Việt Nam Xomphon Sychaleun (Xổm-phon Sỉ-chạ-lơn). Với Đại sứ, Tết cổ truyền của Việt Nam không chỉ là dịp để gặp gỡ, hội tụ của những người thân, họ hàng trong gia đình sau một năm làm việc và xa cách, mà còn thể hiện rõ tính độc đáo về bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam với lịch sử ngàn năm văn hiến trong những phong tục, tập quán những ngày chuẩn bị cũng như ngày đón Tết cổ truyền. Điều này giúp cho những người ngoại quốc hiểu sâu hơn về nền văn hoá thật phong phú của đất nước, con người Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào
Xomphon Sychaleun  (Ảnh: KL)

Đại sứ Xomphon Sychaleun cho biết, so với Tết Bun Pi may – Tết cổ truyền đón Năm mới của nhân dân Lào thì Tết Nguyên đán của Việt Nam có nét tương đồng vì đây là dịp hội tụ gia đình, tổng kết một năm lao động, là nhân dịp để chúc mừng nhau…Tuy nhiên, khác với Tết cổ truyền của Việt Nam, Tết Bun Pimay tại Lào, nhân dân Lào vui chơi là chính, trong mấy ngày liền, nhân dân đi chùa để tắm Phật, lấy nước tắm Phật về nhà để tắm rửa bản thân, những người cao tuổi, họ hàng để rửa những điều không may mắn, điều xấu của năm cũ và đón năm mới trong tinh thần thoải mái và tốt đẹp nhất…

 

Nhân dịp Năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã dành tình cảm thân thiết, sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ qúi báu cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào chúng tôi từ trước đến nay. Xin chúc nhân dân Việt Nam anh em dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh tiếp tục đạt được những thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam XHCN theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

* Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam, Meirav Eilon Shahar

Chia sẻ về cảm nhận của mình về Tết Nguyên đán của Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar tâm sự: “ Đây là lần thứ 2 tôi được đón Tết cổ truyền của Việt Nam nhưng cảm giác háo hức vẫn còn vẹn nguyên. Tôi rất thích cảm giác trước Tết, khi ngoài đường tập nập xe cộ và người người hối hả đi mua sắm, sửa soạn đón Tết. Những ngày đầu năm mới thì lại khác hẳn: chỉ có đình chùa là đông người tới cầu nguyện, còn đường phố lại vắng vẻ, không khí trang nghiêm, tĩnh mịch, chắc lúc này, mọi người ở nhà để tận hưởng sự sum vầy, đoàn tụ”.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel
tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar (Ảnh: KL
)

 

 

Theo Đại sứ Meirav Eilon Shahar Tết cổ truyền của Việt Nam và Israel có rất nhiều điểm giống nhau, chỉ khác nhau về thời điểm đón Tết. Israel đón năm mới và khoảng tháng 9 dương lịch và ngày nghỉ Tết ngắn hơn ở Việt Nam. Tết là dịp để nấu các món ăn truyền thống, cùng nhìn lại một năm đã qua và chào đón năm mới với nhiều dự định và hy vọng. Giống như người Việt Nam, vào năm mới người Do Thái cũng tới đền thờ để cầu nguyện cho một năm mới an lành và may mắn.

* Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, Andrey Kovtun  

Phong tục đón năm mới ở Nga và Tết cổ truyền Việt Nam có nhiều điểm khác nhau, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng, vì theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey Kovtun, đối với tất cả người dân trên thế giới, việc đón năm mới hay mùa xuân mới là thời điểm tổng kết lại những thành tích đã đạt được, xây dựng các kế hoạch tương lai và hy vọng vào những điều tốt lành hơn, đạt được ước mơ và thành tựu mới. Năm mới là dịp để mỗi chúng ta suy ngẫm về những giá trị chính yếu trong cuộc đời mỗi người và của tổng thể xã hội.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga
tại Việt Nam Andrey Kovtun (Ảnh: KL)

 

 

Đại sứ Andrey Kovtun chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như các bạn đều háo hức, phấn khởi chào đón năm mới. Trong những ngày này, chúng ta được sống trong không khí tràn ngập tình yêu thương của gia đình, được đắm mình vào các phong tục tập quán hết sức độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, hiểu rõ hơn truyền thống và lịch sử của dân tộc mình. Những ngày tháng sống và làm việc tại Việt Nam, được đón Tết cổ truyền Việt Nam giúp tôi thêm hiểu về đất nước, con người, những phong tục tập quán truyền thống của đất nước các bạn”.

* Glenn Gibney, Giám đốc Quốc gia Plan tại Việt Nam và ông Ton van der Velden, Giám đốc quốc gia của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)

Là người Canada, trải qua nhiều năm công tác tại Indonesia và mới đây theo yêu cầu của công việc, ông Glenn Gibney, Giám đốc Quốc gia Plan tại Việt Nam đã sang Việt Nam được hơn 2 năm. Năm nay là năm thứ hai ông được sống trong không khí đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Với ông Glenn Gibney, Tết cổ truyền Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Tết Việt Nam vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, là dịp để gặp gỡ, hội tụ, chúc Tết những người thân, họ hàng trong gia đình. Đây là một trong một phong tục, tập quán, một nét văn hóa rất Việt Nam.

Ông Glenn Gibney tâm sự: “Tôi thích nhất sự ồn ào náo nhiệt trong những ngày giáp Tết, đó là thời gian người dân Việt Nam đi mua sắm, chuẩn bị đón Tết. Tôi cũng thường hòa vào dòng người đi xem chợ hoa Tết, đi thăm các vườn đào vườn quất ở Quảng Bá, Nhật Tân… Cảm giác đó thật tuyệt vời và có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian tôi làm việc tại Việt Nam.”

 

Ông Glenn Gibney, Giám đốc Quốc gia Plan
tại Việt Nam

Ông Ton van der Velden, Giám đốc
Quốc gia của MCNV tại Việt Nam

Đối với ông Ton van der Velden, Giám đốc quốc gia của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), Tết Việt mang những đặc trưng văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, gây ấn tượng mạnh đối với bạn bè quốc tế. Ông Ton van der Velden chia sẻ: “Tôi đã đến và các công việc về tư vấn ở Việt Nam 15 năm nay rồi và chính thức sống tại đất nước xinh đẹp của các bạn 7 năm liên tục. Thời gian đó cũng đủ để tôi tìm hiểu về phong tục tập quán, về đất nước, con người Việt Nam. Tôi rất thích Tết Việt, vì đó là thời gian những người Việt Nam thăm viếng người thân, bạn bè và dành cho gia đình. Tôi đặc biệt ấn tượng không khí tấp nập chuẩn bị Tết ở Việt Nam, nó mang những phong vị và sắc màu rất riêng của Tết Việt. Đó là những chuyến xe chở nặng những cây quất vàng trĩu quả, là những vườn đào thắm hồng, những gánh hàng hoa muôn sắc màu tươi thắm. Đó còn là bánh chưng xanh, những tờ thư pháp đỏ chưa ráo mực… Tất cả đất trời và con người đều hối hả cho một năm mới, một mùa Xuân mới với những mong ước tốt đẹp. Trong những dịp Tết ở lại Việt Nam tôi thường đi vào khu phố cổ, xem các cụ đồ viết thư pháp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, dạo quanh hồ Hoàn Kiếm hay là uống cà phê cùng bạn bè hưởng không khí Xuân mới”, ./.

Nguồn ĐCSVN