Vì một cái Tết an toàn về thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra chất lượng thực phẩm tại siêu thị Ocean Mart Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Tết đến, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng đột biến cả về số lượng và chủng loại. Chính vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là rất cao. Để có một cái Tết an toàn về thực phẩm, chính quyền các cấp, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cặm cụi đảo mẻ bí xanh trong chiếc chảo lớn, vừa gạt những giọt mồ hôi, chị Đỗ Thị Tuyết, chủ cơ sở sản xuất Mứt Tết – nhân đậu xanh Tuấn Anh (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) vừa chia sẻ với chúng tôi: Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều cơ sở sản xuất mứt, bánh kẹo theo phương thức truyền thống đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng, dù chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết. Thời gian này năm ngoái, mỗi ngày gia đình sản xuất được nửa tấn sản phẩm mứt các loại, nay cố gắng lắm mới sản xuất được từ hai đến ba tạ sản phẩm. Nguyên nhân là do vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) không được chú trọng, dẫn đến người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm do chúng tôi làm ra.

Thực tế cho thấy, khi Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP thành phố Hà Nội thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất mứt, bánh kẹo trên địa bàn xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) đã phát hiện nhiều vi phạm về VSATTP. Điển hình như, tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện cơ sở sản xuất Bánh Trung thu – Mứt Tết cao cấp Bình Chung ở thôn Trung, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về VSATTP đối với việc sản xuất mứt rời; khu vực sản xuất không theo quy trình một chiều, mất vệ sinh; cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất bánh chả, bánh vừng vòng; cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định nguồn nước…

Không chỉ phát hiện những sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề truyền thống, mà ngay tại các siêu thị, trung tâm mua bán lớn trên địa bàn TP Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số sai phạm về ATTP. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TS Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Tại siêu thị Big C đường Trần Duy Hưng và siêu thị Ocean Mart Trung Hòa (quận Cầu Giấy), đoàn kiểm tra phát hiện một loạt sai phạm ở đây. Cụ thể, tại siêu thị Big C, đoàn phát hiện 11 loại rau củ, quả không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Trong khi đó, tại siêu thị Ocean Mart Trung Hòa phát hiện một số sản phẩm của một đơn vị sản xuất được sang bao, đóng gói lại nhưng lại gắn nhãn mác của siêu thị và không ghi rõ thời hạn sử dụng trên sản phẩm. Tại khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khuôn viên siêu thị, nhân viên không sử dụng găng tay; thực phẩm chín không có tủ bảo quản. Siêu thị Ocean Mart mới chỉ xuất trình được giấy kiểm dịch thú y, mà chưa xuất trình được giấy chứng nhận VSATTP khu vực kinh doanh ăn uống; giấy chứng nhận tập huấn và một số giấy tờ liên quan khác… Ngoài ra, các cơ quan chức năng phát hiện hai mẫu giò, chả của cơ sở thực phẩm Minh Hương (số 39 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), có hàm lượng Natri benzoat vượt giới hạn cho phép.

Cũng như TP Hà Nội, vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tình trạng nhập lậu hàng hóa qua biên giới, các hành vi vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là các mặt hàng như: Bánh kẹo, nước giải khát, ô mai, xí muội, gia súc, gia cầm, hải sản… Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Chung cho biết: Chỉ tính riêng trong tháng 12-2013 và những ngày đầu năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ buôn lậu, vi phạm về ATTP. Điển hình, Công an huyện Hải Hà đã bắt giữ Quách Hồng Sinh (xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) vận chuyển hơn 200 thùng xốp có chứa hơn bốn tấn cá quả, cá trắm, cá trê, ếch, ba ba không có chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Mới đây nhất, đầu tháng 1-2014, Đội cảnh sát Môi trường Công an TP Móng Cái tiến hành kiểm tra, phát hiện số lượng lớn thuốc thú y và thuốc tăng trọng cho vật nuôi, trong đó có gần 1.500 kg thuốc kháng sinh cho tôm, bột tăng trọng, chất tạo nạc cho lợn… tại số nhà 51B đường Hùng Vương, phường Ka Long, TP Móng Cái.

Đến thăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm sạch Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế), nơi chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn, chúng tôi được ông Lê Quý Kệ, chủ cơ sở cho biết: Nguồn nguyên liệu của cơ sở chủ yếu được nhập từ các trang trại có uy tín tại địa phương. Để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết, cách đây hơn một tháng, cơ sở đã ký hợp đồng với các trang trại cung cấp nguồn thực phẩm phục vụ trong và sau Tết. Dự kiến trong dịp Tết, cơ sở cấp cho thị trường hơn 500 con gia cầm, khoảng 50 con lợn và trâu, bò mỗi ngày. Trước khi các loại gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ, đưa ra thị trường tiêu thụ, các sản phẩm đều được cán bộ thú y kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và ATTP; kiểm tra các điều kiện về thủ tục kiểm dịch và giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Chợ Đông Ba, là một trong những trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện có 2.700 ki-ốt kinh doanh, với gần 60 ngành hàng các loại, trong đó có gần 500 ki-ốt phải thực hiện các quy định về ATTP. Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng ban Quản lý chợ cho biết: Ban quản lý yêu cầu tiểu thương phải có tủ kính để trưng bày, có thùng xốp, tủ đông ướp lạnh để bảo quản hàng hóa. Đối với các ngành hàng chế biến ăn liền, yêu cầu phải có bao bì nhãn mác, hạn sử dụng; thực phẩm chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức ATTP cho các tiểu thương. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Trung bình, mỗi ngày người dân trên địa bàn TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 700 tấn thịt và gần bốn nghìn tấn rau và dự báo sẽ tăng hơn vào dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay TP Hà Nội mới cung ứng được hơn 60% nhu cầu thực phẩm cho người dân, cho nên số còn lại được TP Hà Nội nhập từ các địa phương khác. Để chủ động nguồn hàng, thành phố đã ký kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và 17 tỉnh, thành phố, bảo đảm cung cấp đầy đủ thực phẩm, đồng thời hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tích trữ hàng Tết.

Về công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 12- 2013, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành tập trung triển khai một số hoạt động như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết, tại các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất mứt, bánh kẹo, miến, bún, giò, chả… Tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm đang sản xuất tại cơ sở; kiểm tra các hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu phục vụ sản xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết. Ngoài ra, UBND thành phố giao cho 29 đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cửa hàng, các mặt hàng lưu thông trên thị trường về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; thành lập mười chốt kiểm dịch tại các chợ đầu mối, trục đường giao thông chính vào thành phố; tổ chức trực 24/24h. Ngành y tế thành lập năm đội cơ động kịp thời xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra trên địa bàn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm.

Đồng chí Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh việc tập trung chuẩn bị các nguồn hàng hóa phục vụ Tết cho người dân trên địa bàn thành phố, công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết cũng hết sức quan trọng, vì nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Do vậy, ngoài hai đoàn thanh tra liên ngành của thành phố, tại 24 quận, huyện của thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhất là đối với các sản phẩm có nguy cơ cao như: Thịt, gia cầm, giò, chả, trái cây, rượu, bia, nước giải khát, mứt, kẹo, các gói quà Tết, phụ gia thực phẩm… Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra năm nay là lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra ATTP ngay sau Tết Nguyên đán, nhằm ngăn chặn, phát hiện các hành vi buôn bán hàng tồn kho không bảo đảm chất lượng sau Tết.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các ngành liên quan, chúng ta hy vọng người tiêu dùng đón Tết vừa vui, vừa ATTP.

Nguồn Nhân dân