Xu thế mới của phim tài liệu truyền hình

        Liên hoan Phim tài liệu truyền hình các đài PT-TH phía Nam diễn ra từ ngày 23 đến 25-5 tại Biên Hòa - Đồng Nai. Từ lâu, phim tài liệu đã được xem là “mũi nhọn” trên mặt trận văn hóa tư tưởng và rất cần thiết trong thời đại truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay.

Đoàn làm phim Mê Kông ký sự thực hiện những cảnh quay trên sông Mê Kông.

Ký sự, phóng sự lên ngôi

Ngày nay, phim tài liệu truyền hình được thể hiện dưới nhiều hình thức, ngoài tài liệu chính luận là “xương sống”, còn có tài liệu nghệ thuật, tài liệu chân dung, tài liệu thực tế, tài liệu lịch sử; thêm vào đó là loại hình mới: ký sự, phóng sự khiến cho thể loại phim tài liệu truyền hình ngày càng gần gũi, hấp dẫn khán giả. Sự xuất hiện của phim tài liệu truyền hình dài tập - thay vì chỉ 1 tập như truyền thống trước đây, cũng là nét nổi bật trong xu thế phát triển mới của thông tin. Thêm vào đó, hàng loạt ký sự, phóng sự đã “làm mưa làm gió” trên truyền hình. Đặc biệt, với việc thực hiện công phu, nội dung chứa đựng nhiều thông tin bổ ích, hình ảnh hấp dẫn, một số ký sự truyền hình sau khi phát sóng đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc lập để tham gia vào thị trường băng đĩa gia đình (bán rất chạy). Nổi bật về sự thành công này, có thể kể: Mê Kông ký sự, Trung Hoa du ký, Ký sự Amazon, Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa… do HTV sản xuất. Cũng từ sự thành công này, một số đài truyền hình lớn cũng bắt tay vào làm ký sự, nhưng chưa có sản phẩm nào tạo được ấn tượng mạnh. Cụm từ “phóng sự - tài liệu” đã mang tính đặc thù truyền hình và trở nên thông dụng, được các đạo diễn trẻ khá ưa chuộng.

Tăng chất lượng

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV cho biết: “Phim tài liệu tại HTV có chuyển biến rõ rệt về chất lượng. Có được điều này là do nội dung, cách tiếp cận vấn đề và phương pháp thể hiện đã được nâng cao. Người xem nhận ra sự gần gũi của sản phẩm này khi số lượng và chất lượng của những thông tin ngày càng tăng, càng đáng tin cậy; hàm lượng trí tuệ và nghệ thuật được nâng cao; công tác đạo diễn được chú trọng nhiều hơn, hình ảnh đẹp và gợi cảm; lời lẽ chân thật, văn phong có độ rung cảm lớn, giàu sắc thái và hàm lượng văn học”.

Truyền hình đang là một “đầu ra” hữu hiệu cho các phim tài liệu. Chính vì thế, đòi hỏi về số lượng phim tài liệu truyền hình phát sóng là một con số rất lớn, cũng là một thách thức với các đài truyền hình - nhất là truyền hình địa phương. “Phim tài liệu là thử thách lớn với hầu hết đài địa phương, với nhiều đạo diễn truyền hình, đặc biệt là đạo diễn trẻ. Đài Truyền hình Cần Thơ hơn một tháng mới sản xuất được một phim tài liệu. Thiếu đạo diễn, thiếu kỹ thuật viên có khả năng hỗ trợ giúp dựng phim hay” - ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Tiếng, Phó Giám đốc Đài PT-TH Cần Thơ”.

Hai cuộc hội thảo có cùng nội dung: “Nâng cao chất lượng trên sóng truyền hình” (diễn ra ngày 24-5 trong khuôn khổ Liên hoan Phim tài liệu truyền hình các đài PT-TH phía Nam) và “Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình” (do Đài HTV tổ chức, diễn ra ngày 22-5) đều hướng tới mục đích làm sao để có ngày càng nhiều các phim tài liệu truyền hình chất lượng cao. Hiểu được thế mạnh, hiệu quả, cùng những tác động tích cực của phim tài liệu truyền hình trong đời sống xã hội và trong xu thế mới; các đài truyền hình đang chung tay “đẩy” thể loại này tăng tốc về chất lượng để đáp ứng yêu cầu của đông đảo khán giả và nhiệm vụ tuyên truyền về văn hóa, tư tưởng.