- Tỷ lệ lương hưu của người Việt Nam cao nhất thế giới - Vòng tứ kết Cúp Quốc gia 2023/2024 sẽ có 2 trận đấu được áp dụng công nghệ VAR. - Công bố thành lập thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh Bình Dương - Trao tặng 1.000 bình nước uống cho người dân huyện Gò Công Đông - Tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù. - Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đắc cử Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029. - Tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt từ 80% đến 85% - Xâm nhập mặn tại ĐBSCL ngày càng gay gắt, bất thường - Tiền Giang: Sẵn sàng tiêm 5.370 liều vắc xin 5 trong 1 cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. - Giá xăng dầu giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ. - ĐBSCL: Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh…

Vĩnh biệt huyền thoại sân khấu cải lương

Hung tin NSƯT Thanh Kim Huệ qua đời do căn bệnh ung thư đã để lại một khoảng trống quá lớn đối với các đồng nghiệp yêu mến chị và công chúng mộ điệu nghệ thuật cải lương

NSƯT Thanh Điền cho biết người vợ yêu quý của ông là NSƯT Thanh Kim Huệ đã qua đời vì căn bệnh ung thư lúc 13 giờ 50 phút ngày 23-12 tại nhà riêng, thọ 68 tuổi.

Những hoài bão về cuộc đời

Tin nhắn lan truyền vào những ngày cuối năm 2021 đã làm trái tim tôi đau buốt. NSƯT Thanh Kim Huệ đã rời xa sân khấu thật sự dù trước đó một số nghệ sĩ khi đến nhà thăm đều cầu nguyện bà vượt qua để kịp đón nhận danh hiệu NSND. Năm nay, bà đã có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu này từ những cống hiến to lớn cho sự nghiệp nghệ thuật.

Vĩnh biệt huyền thoại sân khấu cải lương - Ảnh 1.

NSƯT Thanh Kim Huệ .Ảnh: THANH ĐIỀN

Gần 5 thập niên sống trọn vẹn với nghề, NSƯT Thanh Kim Huệ được giới chuyên môn đánh giá cao về tài xử lý bài vọng cổ với cách ca hơi dài rõ chữ, chắc nhịp và làm tươi mới bài vọng cổ bởi cách ngân nga, luyến láy rất đặc trưng.

Ít người biết để có được khả năng lấy hơi và nhả chữ điêu luyện trong cách thể hiện câu vô vọng cổ là do bà tự học hỏi từ đàn chị và nghiền ngẫm để tạo nét riêng cho mình (bà đã học cách ca của nghệ sĩ Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Phượng Liên, Mỹ Châu…). Bà từng tâm sự với tôi là để có thể đứng vững trong làng dĩa nhựa trước khi bước chân lên sân khấu bắt buộc phải có sự độc đáo riêng.

Ai cũng biết và gọi đúng tên bà khi nhắc đến “Lan và Điệp”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Ngao, Sò, Ốc, Hến”, “Mái tóc người vợ trẻ”… và những năm sau này khi có nhiều kinh nghiệm trong ca diễn, bà sáng tác kịch bản, gói hành trang đó thấm đẫm những ký ức đẹp về một thời khán giả mê đắm các tác phẩm “vợ viết, chồng dựng” dưới thương hiệu Thanh Điền – Thanh Kim Huệ.

Bà còn có những tác phẩm nổi tiếng như: “Khúc ly lương”, “Hoa học trò”, “Bến tương tư”, “Em ơi, đừng khóc nữa”, “Xin đừng nói yêu em”, “Nội ơi, đừng ly dị”, “Tôi không yêu đàn bà”, “Hoa sen trắng”… góp phần đưa cải lương đến gần hơn với công chúng trẻ.

Một lần trong chuyến cùng bà đi lưu diễn tại Pháp tháng 10-2013, bà đã bộc bạch: “Tôi được ông Tổ thương cho làn hơi đặc biệt được khán giả yêu mến nhưng lại bị cho là đào hát mà chỉ biết đứng xuôi tay để hát, chứ không biết diễn, nên tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Vì vậy, tôi đã gửi tâm tư, tình cảm của mình vào trong sáng tác kịch bản, tôi viết cho chính tôi diễn, đo ni đóng giày cho chính mình. Bởi trong từng nhân vật có số phận ngang trái, thấm đẫm nước mắt, có chút gì đó gửi gắm chính hoài bão của cuộc đời tôi”.

Cống hiến cả đời cho cải lương

Nghệ sĩ Bình Tinh là một trong số ít nghệ sĩ trẻ được bà đồng ý cho đến thăm những ngày điều trị bệnh tại nhà. Bình Tinh kể trong nước mắt: “Sở dĩ bà cho Bình Tinh vào tận giường bệnh để thăm viếng là vì bà biết tin mẹ Bình Tinh qua đời trong dịch Covid-19 mà bà không thể đến thắp hương trong lần cúng 49 ngày. Bà nói giữa thân phận nghệ sĩ, còn có chung nghiệp sáng tác nên bà rất thương mẹ Bình Tinh (soạn giả Bạch Mai – PV). Bình Tinh đã khóc khi thấy những mũ mão, đầu tóc, trâm cài, hoa kết để phục vụ cho vai diễn được NSƯT Thanh Kim Huệ treo trước đầu giường. Những đồ vật này đã theo bà suốt chặng đường nghệ thuật và động lực đó có lẽ đã giúp bà kéo dài sự sống, giúp bà chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác”.

Tôi nhớ như in suất diễn phục vụ khán giả kiều bào tại Pháp vào tháng 10-2013, sau khi diễn vai Thị Hến trong vở “Ngao, Sò, Ốc, Hến” và công chúa Bích Vân trong vở “Bên cầu dệt lụa”, bà đã giao lưu với khán giả, lần đầu tiên bà và ông xã Thanh Điền đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân (em chồng) và Trọng Phúc – kép trẻ trên sân khấu. Bà nói nếu có rời xa cõi tạm, xin được cống hiến cho nghệ thuật cải lương đến hơi thở cuối cùng. Câu nói đó làm tôi và các nghệ sĩ trong đoàn đều xúc động.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà có công rất lớn trong việc tích cực tham gia thu thanh chương trình Giới thiệu bài bản cải lương và làn điệu dân ca do Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM tổ chức. Qua chương trình này, bà đã hướng dẫn khán thính giả ca hàng trăm điệu lý.

Ngày đó, khán giả yêu ca cổ thường xuyên nghe giọng ca Thanh Kim Huệ qua nhiều bài tân cổ nổi tiếng như: “Chợ Mới”, “Hoa tím bằng lăng”, “Tặng đời chiếc nón bài thơ”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Đám cưới trên đường quê”, “Cánh thiệp đầu xuân”…

Bà đã cống hiến cả đời cho sân khấu cải lương, luôn đặt mình trên quỹ đạo đi tìm cái mới, phá cách đầy sáng tạo từ ca đến diễn. Khi NSND Lệ Thủy, Minh Vương thành lập Sân khấu Vàng, bà tích cực gắn bó để cùng các đồng nghiệp xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo. Đó là giai đoạn bà tỏa sáng dù đã bước vào tuổi ngũ tuần với 2 vai chính trong vở “Sông dài” và “Thần tượng nửa đêm”.

Vĩnh biệt danh ca đã đi vào huyền thoại sân khấu cải lương với những lời ngợi khen tràn ngập yêu thương. Nhiều năm trôi qua nhưng khán giả mộ điệu vẫn nói “giọng ca Thanh Kim Huệ vẫn ngọt ngào như xưa”, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời bà.

Thắp nén hương linh tiễn biệt danh ca huyền thoại sẽ mãi bất hủ trong đời sống nghệ thuật dân tộc. Bà là người nghệ sĩ của nhân dân, được nhân dân yêu mến!

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*