Trước giờ thu phí BOT Cai Lậy – Những câu hỏi chưa có lời đáp

(THTG) Được sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Văn bản số: 6069/TCĐB ngày 29/9/2022, bắt đầu từ 7 giờ ngày 07-10-2022, BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại. Trước đó, BOT Cai Lậy đã cho vận hành thử và áp dụng thu phí không dừng. Mọi việc đã sẵn sàng, tuy nhiên, khi dự án này đi vào hoạt động, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường km 1987+560 – km2014 tỉnh Tiền Giang được thực hiện theo hợp đồng BOT, gọi tắt là BOT Cai Lậy, được khởi công từ tháng 2 năm 2015. Quy mô dự án bao gồm: tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km (kể cả 7 cây cầu giao thông trên tuyến tránh) và xây dựng cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,4 km (cùng với việc sửa chữa 14 cầu, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông trên tuyến) và 2 Trạm thu phí. Tổng vốn đầu tư là: 1.398 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu là: 210 tỷ, vốn vay: 1.178 tỷ, sau đó chủ đầu tư bổ sung kinh phí xây dựng hệ thống Trạm thu phí: 60 tỷ.

Untitled 10

z3774711277409_3abc7fad231fb287007f9c8e18266796

Quang cảnh buổi họp báo về việc thu phí BOT Cai Lậy do UBND tỉnh Tiền Giang và Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tổ chức ngày 05/10/2022.

Theo Kế hoạch và theo hợp đồng, BOT Cai Lậy sau khi thu phí, sẽ hoàn vốn trong thời gian: 6 năm 4 tháng 29 ngày. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn triển khai thu phí, BOT Cai Lậy bị phản ứng gay gắt từ người dân, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe… Nguyên nhân chính là là do việc xây dựng tuyến tránh quá ngắn, và việc phân định thu phí giữa phương tiện đi trên tuyến tránh và phương tiện đi trên Quốc lộ 1 chưa rõ ràng, nên sau 1 thời gian triển khai, dự án đã dừng thu phí từ ngày 4-12-2017 cho đến nay.

Do việc thu phí chưa nhận được sự đồng thuận và bị dừng hoạt động một thời gian hơn 5 năm, trong khi nguồn vốn đầu tư BOT Cai Lậy là vốn vay ngân hàng, nên theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, từ lúc ngưng hoạt động đến nay đã phát sinh lãi ngân hàng là 500 tỷ đồng, cộng với 60 tỷ đồng bổ sung xây dựng trạm thu phí, hoàn thiện dự án, tính ra, kinh phí phát sinh ngoài vốn ban đầu là: 560 tỷ đồng.

Untitled 1

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ trước ngày thu phí chính thức của BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Bình

Do dự án kéo dài và những khó khăn vướng mắc nêu trên, nên 560 tỷ đồng phát sinh có tính vào dự án bằng hình thức thu phí bù đắp hay không? Vấn đề này được giải quyết thế nào? Mặt khác, thực tiễn đã phát sinh nhiều thay đổi như dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đi vào hoạt động, nên lưu lượng xe, phương tiện qua Quốc lộ 1 và tuyến tránh giảm đáng kể. Song song đó, nhà đầu tư phải giảm giá vé thu phí để nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Điều này khiến cho chủ đầu tư và Tổng cục Đường bộ Việt Nam không thể tính được thời gian hoàn vốn sau khi BOT Cai Lậy tiến hành thu phí trở lại. Đây cũng là câu hỏi lớn mà dư luận đang đặt ra. Vì vậy, theo chủ đầu tư dự án, hiện tại vẫn chưa đủ dữ liệu xác định chính xác thời gian thu phí của dự án này. Cũng theo chủ dự án và theo đại diện của Bộ Giao thông vận tải, sau khi dự án đi vào thu phí ổn định khoảng 1 năm, chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải sẽ cập nhật số lượng phương tiện, phương án tài chính, qua đó tính toán thời gian hoàn vốn dự án và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương thực hiện.

                                                         Hữu Hạnh