Trung ương Hội LHPN Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 13/3 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam mở rộng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992- Ảnh: MC

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, qua tổng hợp ý kiến đóng góp, thảo luận của các cấp Hội và hội viên phụ nữ vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới thể hiện trong Điều 27 của Dự thảo được các tầng lớp phụ nữ đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm vừa bảo đảm bình đẳng giới vừa tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện vai trò làm mẹ, tái tạo nòi giống, nguồn nhân lực của đất nước.

Đồng thời, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản là quyền của phụ nữ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phụ nữ khi sinh con không kể là phụ nữ có quan hệ lao động hay không. Lao động nam, nữ làm việc có giá trị ngang nhau thì tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội như nhau.

Về Điều 10 của Dự thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng Đỗ Thanh Lê kiến nghị hoặc là bỏ Điều 10, chỉ cần quy định như khoản 3, Điều 9 “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”, hoặc nếu vẫn giữ nội dung của Điều 10 thì cần bổ sung vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội khác như Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam… chứ không thể chỉ đề cập tới tổ chức Công đoàn như Dự thảo hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, một số đại biểu cho rằng, Hội LHPN Việt Nam vừa là tổ chức chính trị – xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đồng thời đại diện cho hơn một nửa dân số, có vai trò đặc biệt trong việc tái tạo nguồn nhân lực quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung theo hướng thêm một điều quy định về Hội.

Về Điều 39 của Dự thảo, các ý kiến đề nghị giữ các quy định của Điều 64 trong Hiến pháp hiện hành: Gia đình là tế bào của xã hội nhằm khẳng định vai trò của gia đình, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các đại biểu góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – Ảnh: MC

Về Điều 40 của Dự thảo, các ý kiến đề nghị nghiên cứu thiết kế bảo đảm đầy đủ cả 4 nhóm quyền của trẻ em (quyền sống, quyền phát triển, quyền tham gia và quyền được bảo vệ; giữ lại quy định của Điều 66 về thanh niên và bổ sung thêm “người chưa thành niên”. Sau khi bổ sung, Điều này nên có 4 khoản quy định về trẻ em, người chưa thành niên, thanh niên và quy định chung về các hành vi nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính.

Bàn về quy định tại Điều 62 của Dự thảo, một số ý kiến cho rằng cần thể hiện đầy đủ hơn các khía cạnh liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân đối với người mẹ và trẻ em và đề nghị bổ sung 2 quy định: Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo cơ hội và hỗ trợ điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt vai trò người công dân, người mẹ, người cha trong tương lai.