Trí thức, giảng viên trẻ góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 28/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Được tổ chức tại Đại học Luật Hà Nội – Trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, nghiên cứu khoa học pháp lý của đất nước, Hội nghị đã thu hút hơn 100 đại biểu không chỉ là trí thức trẻ, cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên của hơn 10 trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội mà còn có sự tham dự của các chuyên gia pháp lý.

 

Sinh viên Luật Nguyễn Minh Đức góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 – Ảnh: MC

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo lấy ý kiến cán bộ, đoàn viên thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hộp thư góp ý, các chuyên trang, chuyên mục trên báo giấy, báo điện tử của Đoàn…

Trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên chính là đại diện tiêu biểu cho trí tuệ của thanh niên, nhân tố sáng tạo trong các phong trào cách mạng và cũng là lực lượng quan trọng đóng góp tri thức vào những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý vào rất nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, Phó Chủ nhiệm khoa Hành chính nhà nước, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Điều 10 nếu đề cập tới vai trò của Công đoàn trong Dự thảo thì cũng phải đề cập tới Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Luật Trần Ngọc Định cho rằng, cần bổ sung vào Dự thảo hai tổ chức chính trị – xã hội là Hội Nông dân vì nước ta là nước nông nghiệp và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam – chủ nhân tương lai của đất nước.

Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội Vũ Duy Hải bày tỏ sự băn khoăn khi không đề cập về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà chỉ có riêng quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trong Dự thảo. Ngay trong Hiến pháp hiện hành vẫn ghi nhận vai trò của Đoàn Thanh niên; có Luật Thanh niên, rồi Điều lệ Đảng cũng đề cập.

Mong muốn khẳng định rõ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong Hiến pháp, đây cũng là vấn đề được nhân dân hết sức quan tâm, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Luật Trần Ngọc Định mong muốn nêu rõ chủ quyền biển đảo tại Điều 1, chương I “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

 

Ý kiến nhiều đại biểu mong muốn bổ sung vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào Dự thảo – Ảnh: MC

Chia sẻ ý kiến góp ý về các quyền học tập, quyền nghiên cứu khoa học, theo Ngô Thu Trang, sinh viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Dự thảo Hiến pháp nên có thêm quy định nhà nước quản lý công tác giáo dục, đề ra các chiến lược, chính sách phát triển giáo dục; hoàn thiện nền giáo dục cho sát hợp với yêu cầu của người dân; tạo điều kiện tối đa cho phát triển khoa học và nghiên cứu khoa học. Có sự đảm bảo của nhà nước thì người dân mới có điều kiện phát huy toàn diện quyền của mình trong học tập và nghiên cứu khoa học, đồng thời có các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với một số hành vi tiêu cực trong giáo dục.

Góp ý về Điều 31, chương II, sinh viên Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề quyền được khiếu nại, tố cáo chỉ là một trong số những quyền được tiếp cận pháp lý; nên mở rộng công dân có quyền được tiếp cận pháp lý, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền khác như quyền khởi kiện…

Bàn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, giảng viên Nguyễn Quốc Việt, Đại học Công đoàn cho rằng, vấn đề trọng dụng tài năng trẻ được xã hội đặc biệt quan tâm nhưng chưa thấy đề cập trong Dự thảo, nhất là khi công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ còn nhiều bất cập. Nếu coi vấn đề đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ là một nguồn lực quan trọng để phát triển quốc gia thì cần thiết phải khẳng định trong Hiến pháp, tạo ra cơ chế, chính sách công bằng, khuyến khích tài năng trẻ nỗ lực phấn đấu, cống hiến trí tuệ cho đất nước./.