“Tổng tập dư địa chí Việt Nam”: Công cụ bảo vệ lãnh thổ

       Ngày 9.3, tại TPHCM, NXB Thanh Niên phối hợp với Cty CP văn hóa Sách Việt (nhà sách Thăng Long) ra mắt bộ “Tổng tập dư địa chí Việt Nam” - một công trình đồ sộ (4 tập) dày 5.500 trang.

Loại sách dư địa chí gồm những tác phẩm chuyên biệt về địa lý - lịch sử toàn quốc hay từng địa phương không chỉ là di sản văn hóa thành văn của dân tộc, mà còn là tài sản quý của nhiều thế hệ.

Tổng tập này là công trình sưu tầm, nghiên cứu, tuyển chọn và giới thiệu nhiều tài liệu quý mang tính tiêu biểu của các tác giả danh tiếng trong lịch sử văn học VN xưa và nay như: Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Lê Tắc, Ngô Văn Triện, Trương Vĩnh Ký, Vương Duy Trinh, Ngô Vi Liễn, Đào Duy Anh… và Quốc sử quán triều Nguyễn.

Có 40 tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm dư địa chí VN từ thời Trần vào thế kỷ 13 đến thời hiện đại vào giữa thế kỷ 20 (8 thế kỷ) được giới thiệu trong đó. 2 tập đầu là dư địa chí toàn quốc, 2 tập sau - dư địa chí địa phương. Đặc biệt, thông qua bộ sách này, người đọc thế hệ sau có thể nắm vững những cứ liệu cho thấy 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của VN và Lê Quý Đôn là người đầu tiên gọi 2 quần đảo này là “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa”.

Bộ sách do thạc sĩ Bùi Văn Vượng chủ biên, cùng tham gia có các nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa và cán bộ thư viện: TS Hoàng Lê Hà, thạc sĩ Nguyễn Phương, Lê Thanh Bình, Bùi Việt Thanh, Cao Ngọc Thắng, Bùi Minh Phương, Hồ Chí Huỳnh… Giá bán 2 triệu đồng/bộ.

Nhận xét về bộ sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định: Dư địa chí hay còn gọi là địa lý đương thời, địa lý lịch sử, là những tư liệu quan trọng để chứng minh lãnh thổ của VN về phương diện pháp lý, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các cuốn sách đều viết bằng chữ Hán và có những bản dịch có giá trị của cả học giả trong Nam, ngoài Bắc.

Nếu bổ sung ngoài đinh bạ, điền bạ, ngưu bạ còn có địa bạ thì chi tiết hơn. Và giai đoạn thay đổi từ thời Pháp xâm lược chia 6 tỉnh thành 40 tỉnh, cách phân định ranh giới lãnh thổ như thế nào nếu đưa được vào bộ sách có lẽ sẽ hoàn chỉnh hơn. Làm sao để thế hệ con cháu biết sử dụng, khai thác dư địa chí VN một cách hiệu quả nhất là điều quan trọng.

Còn GS Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận phê bình TƯ - thì cho rằng: “Đây là bộ sách sưu tầm, giới thiệu những công trình có giá trị về lịch sử của các nhà văn hóa, nhà sử học, nhà địa chí lớn, hình thành nên giá trị ngàn đời suốt 8 thế kỷ qua. Chúng ta phải bảo vệ và phát huy những giá trị đã có, nhưng phải nối dài tư duy của ông cha để có cái nhìn tổng quan hơn nữa về dư địa chí VN. Đây không chỉ là cuốn sách để đọc, mà là công cụ để bảo vệ

đất nước, sửa sai những chi tiết về lãnh thổ của nước ta. Đó cũng là vấn đề rất lớn mà thế hệ sau phải làm tiếp”.