Tiếng hát mãi xanh 2012: Giá trị của cảm xúc

       Đêm thi đầu tiên, những phần thể hiện của 9 “ca sĩ” không chuyên ở vòng chung kết đã để lại dư âm đẹp trong lòng đông đảo khán giả, nhất là ban giám khảo cuộc thi gồm những nghệ sĩ tên tuổi, giảng viên thanh nhạc uy tín


Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Thanh (75 tuổi) gây ấn tượng mạnh với cả khán giả và ban giám khảo cuộc thi ở đêm thi đầu tiên của vòng chung kết.
Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp
Đêm chung kết thứ hai của cuộc thi Tiếng hát mãi xanh 2012, với chủ đề nhạc truyền thống cách mạng và âm hưởng dân ca, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 30-3 tại Nhà hát Truyền hình Đài Truyền hình TPHCM (HTV), truyền hình trực tiếp trên HTV7. Khác với đêm thi đầu tiên của vòng chung kết với chủ đề nhạc trữ tình mà hầu hết thí sinh đều trình diễn bài hát ruột của mình, ở đêm thi thứ hai, các thí sinh sẽ trình diễn những ca khúc nhạc truyền thống cách mạng và mang âm hưởng dân ca, như: Bài ca nhớ Bác, Lời người ra đi, Sợi nhớ sợi thương, Lá đỏ, Điệp khúc tình yêu, Viếng lăng Bác, Điệu buồn phương Nam, Mẹ, Đợi chờ… Đây cũng là những ca khúc thử thách khả năng thể hiện của thí sinh rất cao. Vì vậy, đây là đêm thi khó khăn nhất của các thí sinh, đặc biệt là thí sinh ở những bảng cao tuổi.

Tuy nhiên, tiêu chí của cuộc thi này không quá đặt nặng về kỹ thuật thanh nhạc, chủ yếu các tiết mục trình diễn của thí sinh phải đạt được sức truyền cảm cao nhất đối với người nghe. Điều này trở nên không khó đối với hầu hết 9 thí sinh tranh tài trong vòng chung kết của cuộc thi năm nay.

Sau đêm thi đầu tiên, những phần thể hiện của 9 “ca sĩ” không chuyên này đã để lại dư âm đẹp trong lòng khán giả, đặc biệt là với ban giám khảo, gồm những nghệ sĩ tên tuổi, giảng viên thanh nhạc uy tín. “Ở âm nhạc, cảm xúc chính là yếu tố chinh phục khán giả mạnh nhất” - nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chuyên môn của cuộc thi, nhận định. Ông cho biết: “Điều tôi cảm nhận được ở giọng hát của các thí sinh là việc họ hát và sống với tác phẩm mình đang trình diễn. Phần thể hiện của hầu hết các thí sinh đều để lại những cảm xúc rất mạnh mẽ, đủ để truyền đến cho người nghe cái hồn của tác phẩm”.

NSND Trần Hiếu nhận xét: “Ngồi ở ghế giám khảo của cuộc thi này, cảm giác của tôi là rất thú vị. Những giọng ca ngũ- lục tuần, thậm chí thất tuần nhưng khi thể hiện các ca khúc chẳng khác nào những người tuổi đôi mươi. Đó là điều không đơn giản để làm được nếu chúng ta không thực sự sống và đặt tâm hồn mình hòa quyện vào những lời ca, giai điệu của ca khúc. Đây là điều đáng khích lệ vì không phải cuộc thi hát nào khán giả cũng tìm thấy cảm xúc ở thí sinh”.

Cả 9 giọng ca dù ở độ tuổi khác nhau nhưng có chung một điểm là sự truyền cảm mạnh mẽ khi thể hiện các ca khúc trong phần trình diễn của mình. Chính điều này đã giúp cho tất cả các tiết mục biểu diễn trong đêm thi chung kết đầu tiên thành công, khán giả yêu nhạc hài lòng.

Đây chính là điều để khán giả tin rằng không chỉ đêm diễn đầu tiên ở vòng thi chung kết mà đêm thi hát nhạc truyền thống cách mạng và âm hưởng dân ca hay đêm thể hiện mình (sẽ diễn ra vào ngày 6-4 tại Nhà hát Truyền hình TPHCM) hoặc đêm chung kết cuối cùng (sẽ diễn ra vào ngày 20-4 tại Nhà hát Hòa Bình), các thí sinh cũng sẽ gặt hái những thành công như mong đợi.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói: “Điều tôi muốn nhắn nhủ đến các thí sinh là hãy cứ hát, đừng nghĩ gì đến kỹ thuật sân khấu, thanh nhạc. Cái chính là tâm hồn của người hát truyền được tinh túy, chất xúc cảm mạnh mẽ của tác phẩm đến với mọi người”.