Tiền Giang lên kế hoạch tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

(THTG) Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022) và đón Xuân Nhâm Dần năm 2022 với tinh thần “Đoàn kết, vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm và an toàn phòng, chống dịch Covid-19”, ngày 09-12, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 371/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết cổ truyền năm 2022.

Kế hoạch cụ thể như sau:

1. Tổ chức trang trí đèn nghệ thuật, cụm hoa tươi tại Quảng trường Hùng Vương

Untitled 5

Tại Quảng trường Hùng Vương sẽ trang trí đèm nghệ thuật và cụm hoa tươi. Ảnh: Minh Trung

– Thời gian: 06 ngày, từ ngày 30/01 đến ngày 04/02/2022 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết).

– Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

– Cơ quan phối hợp: UBND thành phố Mỹ Tho, các sở, ngành tỉnh có liên quan.

2. Chợ hoa, cây cảnh

– Thời gian: 10 ngày, từ ngày 22/01 đến ngày 31/01/2022 (nhằm ngày 20 đến ngày 29 tháng Chạp). Đối với các điểm mua bán cây cảnh được tổ chức sớm hơn và kéo dài muộn hơn so với thời gian nêu trên.

Bv-da-chien-11-700x408

Chợ hoa Tết năm Nhâm Dần sẽ kéo dài 10 ngày. Ảnh: Minh Trung

– Quy mô: Dự kiến 250 đến 400 lô.

– Cơ quan thực hiện: UBND thành phố Mỹ Tho (có kế hoạch chi tiết riêng).

– Cơ quan phối hợp: Sở VH-TT&DL và các sở, ngành tỉnh có liên quan.

3. Chương trình nghệ thuật chào đón giao thừa: Bắt đầu lúc 22 giờ, ngày 31/01/2022 (nhằm ngày 29 tháng Chạp), truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang. Tùy vào điều kiện thực tế của dịch Covid-19, UBND tỉnh sẽ cho ý kiến thực hiện chương trình tại Quảng trường Hùng Vương hoặc tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Tiền Giang.

– Chương trình dự kiến:

+ Chiếu video clip về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong năm 2021.

+ Lãnh đạo tỉnh phát biểu chúc mừng năm mới Xuân Nhâm Dần năm 2022.

+ Chương trình biểu diễn nghệ thuật.

– Thời lượng: khoảng 135 phút (trong đó có khoảng 15 phút múa lân, sư, rồng).

– Cơ quan thực hiện: Sở VH-TT&DL.

– Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Điện lực Tiền Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, UBND thành phố Mỹ Tho, đơn vị sự kiện từ Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan.

4. Hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch

– Thời gian: 06 ngày, từ ngày 30/01 đến ngày 04/02/2022 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết).

– Nội dung hoạt động: Tổ chức hội thi Tiếng hát mừng Xuân; giao lưu các ban nhạc; hội thi Lân, Sư, Rồng; biểu diễn ca nhạc, đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương; âm nhạc đường phố; hội thi bonsai, cây cảnh; hội thi hoa lan và trưng bày ảnh nghệ thuật; liên hoan ảo thuật; hội báo xuân; giải võ cổ truyền; hội thi thể thao dân tộc; đón tiếp khách du lịch nội địa.

– Cơ quan thực hiện: Sở VH-TT&DL.

5. Biểu diễn nhạc nước

– Thời gian: 04 suất hàng ngày, từ ngày 30/01 đến ngày 04/02/2022 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết).

– Cơ quan thực hiện: Sở VH-TT&DL.

Biểu diễn nhạc nước ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang

Biểu diễn nhạc nước ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức các đêm văn nghệ phục vụ công nhân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ Nhân dân trên địa bàn quản lý, lưu ý giảm quy mô so với năm 2021, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Thời gian hoạt động: Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhưng không được kéo dài sau ngày mùng 4 Tết để tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Địa điểm tổ chức: Do địa phương chọn, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự, không gây ùn tắc giao thông, nhất là đối với tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ… và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Về nội dung và hình thức tổ chức phải phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, giới thiệu, quảng bá thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng nổi bật của địa phương… Tổ chức chợ hoa xuân, trang trí hoa, đèn nghệ thuật (tận dụng hệ thống đèn nghệ thuật, vật tư đã được tỉnh hỗ trợ các năm trước), cờ phướn trên các tuyến đường chính, tạo không khí vui xuân, đón Tết cho người dân… phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; lưu ý không tổ chức hội xuân. Các địa phương kiên quyết không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, tuyệt đối không đốt pháo trái phép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

vlcsnap-2020-01-15-10h44m18s041

vlcsnap-2020-01-15-10h44m23s934

Đối với các địa phương, các hoạt động vui chơi, giải trí tùy thuộc vào tình hình cụ thể và gắn liền với công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Tâm

Đối với cấp xã, trên cơ sở hỗ trợ của UBND cấp huyện và nguồn lực của địa phương, UBND cấp xã tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại các thiết chế văn hóa, thể thao, trang trí cổng chào các ấp, khu phố…; phát động Nhân dân treo cờ Tổ quốc, thực hiện tổng vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp và không khí vui tươi chào mừng năm mới.

UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định dừng hoặc dời thời gian tổ chức các hoạt động vui xuân trên địa bàn quản lý nếu tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp; báo cáo Sở VH-TT&DL để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương trao đổi với Sở VH-TT&DL để thống nhất, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

H.B