Thủ tướng yêu cầu đảm nước uống và nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2020 – 2021

(THTG) Chiều 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021. Cùng chủ trì buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Về phía Tiền Giang, tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Danh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, uỷ ban MTTQ tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Tiền Giang và địa phương.

Thu tuong lam viec han man 7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. Ảnh: Việt Bình

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng chống hạn mặn của các địa phương, nhờ sự chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ , nhất là nhận thức của người dân và lãnh đạo 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên thiệt hại giảm xuống, chỉ bằng khoảng 8% so với năm 2016, nếu chủ động ngay từ đầu năm thì tình hình thiệt hại hạn, mặn giảm thiểu rất lớn. Chính vì vậy, buổi làm việc hôm nay nhằm thảo luận, tìm giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, với phương châm “bằng mọi cách chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc làm việc về chống hạn mặn được tổ chức sớm (hiện đang mùa mưa) vì có vấn đề cần bàn là tích trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, cũng như triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt khác cho sinh hoạt, cho người dân và đặc biệt cho tưới tiêu, nhất là một số cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng…

Thu tuong lam viec han man Thu tuong lam viec han man 3

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương ĐBSCL. Ảnh: Việt Bình

Theo số liệu thống kê, xâm nhập mặn 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600 hecta, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376 hecta. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng. Nguyên nhân xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, thủy triều ở mức cao…

Riêng đối với tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong đợt hạn mặn vừa qua, địa phương đã không để cho người dân thiếu nước sinh hoạt, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về diện tích cây ăn trái do tỉnh đã chú trọng và chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ nước tưới khoảng 80.000 hecta diện tích cây ăn trái cho người dân sản xuất cũng như sinh hoạt.

Chu-tich-UBND-kiem-tra-nuoc-CB-1-700x393Ong-Nghia-kiem-tra-cap-nuoc-ngot-2-700x393

Tiền Giang vận chuyển nước ngọt “giải cứu” diện tích cây ăn trái trong đợt hạn mặn vừa qua. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020 vừa qua.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Theo kịch bản 1, các cửa sông Cửu Long: Ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 55-65 km (tùy cửa sông), cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 km, tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km. Tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn trái.

Theo kịch bản 2, tại các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 65-75 km (tùy cửa sông), cao hơn từ 20-30 km so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015-2016 từ 3-5 km, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 97.000 hecta lúa, 82.000 hecta cây ăn trái.

Thu tuong lam viec han man 4Thu tuong lam viec han man 5

Dự báo hạn mặn mùa khô năm 2020-2021 sẽ tiếp tục diễn  biến phức tạp. Ảnh: Việt Bình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2021, Bộ sẽ giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức giám sát, dự báo ranh mặn 4 g/l, 2 g/l, 1 g/l và sẽ cung cấp thường xuyên thông tin cho các địa phương, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Khoanh vùng sản xuất an toàn trong điều kiện ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, không tổ chức sản xuất ở vùng nguồn nước không chắc chắn. Với tình hình nguồn nước như dự báo, dự kiến diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 cao nhất tổng cộng 1.600.000 hecta, (tăng khoảng 54.000 hecta so vụ Đông Xuân 2019-2020, thấp hơn so với điều kiện nguồn nước bảo đảm khoảng 30.000-40.000 hecta). Những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao (ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang) với khoảng 400.000 hecta cần xuống giống sớm để né mặn.

Thu tuong lam viec han man 14

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và chủ động phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2020-2021. Ảnh: Việt Bình

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn với các kịch bản phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, quán triệt phương châm không để hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, cần huy động cả hệ thống chính trị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn mặn, dự trữ nước, không để bị động; sửa chữa, nâng cấp công trình cung cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn; rà soát, khoanh vùng cây trồng có nguy cơ ảnh hưởng, bố trí cơ cấu mùa vụ gieo trồng phù hợp.

Phúc Huy – Mạnh Cường