Tết ở nhà giàn

Không rộn ràng, náo nhiệt không khí đón Tết như trong đất liền, nhưng những tình cảm nồng ấm của quê nhà đến với các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn trong những ngày cuối năm này đã mang theo hương vị xuân mới đầy hạnh phúc, điều đó đã giúp cho họ – những người canh giữ vùng biển thân yêu của Tổ quốc luôn thấy đất liền ở ngay bên cạnh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 Mang hàng ra nhà giàn DK1 (Ảnh: K.V)

 

Gần Tết Nguyên đán, những con sóng càng lớn hơn bởi ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, có những ngày sóng lên tới cấp 6, cấp 7. Điều này đồng nghĩa với những chuyến tàu mang hàng Tết từ đất liền ra với nhà giàn vô cùng vất vả.

Trung tá Lương Đình Hiền, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn DK1, người có thâm niên hơn chục năm ăn Tết ở nhà giàn cho biết, anh đã từng làm việc trên nhiều nhà giàn suốt từ năm 1995, trải qua nhiều cái Tết giữa muôn trùng sóng gió cùng đồng đội, mỗi một cái Tết trên nhà giàn là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ.

Những tháng cuối năm, thời tiết chuyển mùa, biển động sóng lớn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những cuộc đón những chuyến tàu chở tình cảm từ đất liền ra với nhà giàn, năm nay, cũng như mọi năm, càng về cuối tháng chạp, sóng càng lớn, khiến cho đoàn công tác ra với cán bộ, chiến sỹ một số nhà giàn không thể gặp nhau, không được “tay bắt mặt mừng”.

Do sóng to gió lớn, nên việc chuyển quà tết lên nhà giàn phải thực hiện bằng dây kéo. Mọi người chỉ biết đứng nhìn nhau trong rưng rưng nỗi nhớ và hết sức kìm nén xúc động.

Tết ở nhà giàn giờ cũng đã đầy đủ lắm, trong đất liền có thứ gì thì ngoài này cũng có thứ đó – Trung tá Lương Đình Hiền tâm sự, nhờ có sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cả nước, nên vật chất cũng như tinh thần đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Ở các nhà giàn, mỗi khi Tết đến xuân về, anh em háo hức lắm. Vào những ngày trung tuần tháng chạp, khi ấy, những chuyến tàu mang theo tình cảm vô bờ bến của đất liền ra với mọi người, ngoài những món quà là vật chất, thì chuyến tàu còn mang theo những món quà tinh thần động viên anh em cán bộ, chiến sỹ, đó là những lá thư của các em học sinh, sinh viên gửi ra cho những người lính đang ngày đêm hiên ngang bảo vệ vùng biển quê hương; đó là những lá thư của người yêu, người vợ, những ông bố, bà mẹ gửi ra chúc Tết và động viên người thân của mình ở nơi nghìn trùng sóng vỗ, tất cả hãy yên tâm nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.v.v…

Gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, người con quê hương nhãn lồng Phố Hiến- Hưng Yên trên nhà giàn DK 1/10, một nhà giàn nằm trên bãi cạn Cà Mau, nơi cách đất liền hàng trăm hải lý. Thiếu tá Đoàn cho biết, anh công tác ở nhà giàn liên tục từ năm 1995 đến nay, đi qua khá nhiều nhà giàn và hiện nay là Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10.

19 năm ở nhà giàn, anh Đoàn đã có đón giao thừa trên biển rất nhiều, nhưng kể từ năm 2009 đến nay, đây là 6 cái Tết liên tục anh cùng đồng đội ăn Tết trên biển.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn tâm sự, anh ra nhà giàn từ năm 1995, đến năm 1997 anh về phép và cưới vợ, chị Đặng Thị Hoài Bảy, một người con gái cùng quê anh, ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1999, anh chị sinh con đầu, năm 2004 sinh tiếp con thứ hai.

Chừng ấy năm chị sinh hai cháu cũng là chừng ấy năm anh đi nhận nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1, chỉ có những lúc nghỉ phép mới được về thăm ba mẹ con. Cũng rất hiếm hoi có cái Tết anh chị cùng các cháu được sum họp trên quê hương. 19 năm công tác ở nhà giàn, có đúng 4 cái Tết anh được sum họp cùng gia đình nhỏ của mình.

Năm nay, sau một kỳ nghỉ phép trên đất liền, anh lại ra nhà giàn cùng cán bộ chiến sỹ nơi đây đón năm mới trên biển. Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn cho biết, để chuẩn bị cho anh em ngoài này đón Tết, tàu chở hàng từ tháng 11 đã mang lợn, gà, vịt ra cho anh em, bởi nếu đi trong tháng này, biển động, những con vật trên sẽ say sóng và chết hết.

Chính vì vậy, trên nhà giàn, anh em có lợn nuôi chừng vài tháng, từ lúc mang ra con lợn chỉ nặng khoảng 40 kg, anh em nuôi đến giáp Tết là đã được khoảng gần một tạ, ngày 29, 30 Tết, nhà giàn sẽ mổ lợn cho anh em gói bánh chưng và có thịt làm giò, làm chả để ăn Tết.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Tết ở nhà giàn bây giờ đầy đủ hơn rất nhiều so với ngày trước. Có thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, có bánh chưng xanh gói bằng lá dong, có thịt gà, thịt lợn tươi nguyên do anh em nuôi và tự giết mổ, chế biến, chính vì vậy, không khí Tết không khác là mấy trong đất liền. Riêng rau xanh để ăn trong dịp Tết giờ đã không còn là nỗi lo của mọi người nữa, bởi trên nhà giàn, các vườn rau mi ni mùa nào thức ấy quanh năm xanh tốt, đủ để phục vụ các bữa ăn của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn. Cứ tranh thủ những lúc rảnh rỗi, mọi người đều có thú vui chăm sóc rau xanh, nên chậu rau nào cũng lá mơn mởn và không phụ người vun xới.

 Rau xanh trên nhà giàn DK1 (Ảnh: K.V)

 

Nhớ lại cách đây hơn chục năm, Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn tâm sự, ngày ấy, Tết đến, mọi thứ trên nhà giàn đều thiếu thốn, không có thịt lợn tươi như bây giờ, gà cũng hiếm lắm, nhưng có một thứ anh em nhớ nhất, đó là luộc bánh chưng.

Do không có lá dong, mọi người có sáng kiến lấy ni long bọc gạo lại sau đó lớp ngoài quấn bằng bao tải dứa, buộc dây lại cho chắc rồi bỏ vào xoong quân dụng luộc trên bếp dầu cỡ khoảng 8-9 tiếng vớt ra, gạo nếp không có lá dong, trắng như cơm, mùi đặc trưng của bánh chưng không có, nhưng anh em vô cùng phấn khởi vì vẫn có bánh để cúng đêm giao thừa. Ngày đó, nhà giàn chạy điện máy nổ, rất phập phù, ti vi chả có, chỉ có chiếc radio là phương tiện duy nhất để thấy không khí đón xuân trong đất liền.

Kể ra vậy để thấy Tết ngày xưa và Tết bây giờ ở nhà giàn đã khác nhau rất nhiều, bàn thờ ngày Tết ở nhà giàn giờ đây đã có đủ mọi thứ, từ mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, giò lụa, câu đối…, thậm chí có cả mai vàng tươi sắc xuân. Điện trên nhà giàn giờ cũng đã có hệ thống điện năng lượng mặt trời và ti vi thì giờ có thể bắt được hàng chục kênh để xem.

Những cây mai này ra hoa từ năm ngoái mà đến nay vẫn chưa tàn, có lẽ nó sẽ còn nguyên bông cả chục cái Tết nữa! Chỉ tay vào cây mai trong chậu đang khoe sắc vàng tươi, Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn đùa vui, anh cho biết, do khí hậu khắc nghiệt, sóng gió và nước mặn, nên nếu có mai, có đào ra đây để đón Tết cũng chẳng để được bao lâu, có chăm mấy cũng không sống được, chính vì thế, quà từ đất liền mang ra nhà giàn là những cành mai bằng nhựa nhưng làm khéo đến nỗi trông như thật, những cây mai này sẽ giúp cho mọi người nguôi ngoai nỗi nhớ Tết đất liền và như kéo lại sợi dây tình cảm giữa họ với quê hương thêm gần hơn, ấm áp hơn bao giờ hết.

Theo Trung tá Lương Đình Hiền, do đặc thù, cũng như lịch công tác của các đoàn ra với nhà giàn cuối năm, nên có những nhà giàn tổ chức cho anh em ăn Tết sớm, tuy nhiên vào ngày cuối năm, đồng loạt các nhà giàn sẽ tổ chức đón Tết Nguyên đán cho mọi người, tất nhiên, trong khi vui Tết, đón xuân, mọi vị trí, nhiệm vụ trực ban vẫn được duy trì một cách nghiêm túc.

Đêm giao thừa ở nhà giàn, mọi người đầm ấm bên chiếc ti vi, xem những chương trình yêu thích và không thể bỏ qua cầu truyền hình đón năm mới của Đài Truyền hình Việt Nam. Sau khi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết, cán bộ chỉ huy nhà giàn chúc Tết động viên anh em, nhất là các chiến sỹ trẻ mới ra nhận nhiệm vụ, sau đó là chương trình hái hoa dân chủ, văn nghệ cây nhà lá vườn, nhưng rất vui vẻ và thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của một tập thể cán bộ chiến sỹ.

Trong những ngày Tết tiếp theo, tại các nhà giàn, anh em cũng tổ chức thi đấu thể thao như bóng bàn, đấu cờ tướng…, tạo một không khí đón xuân đầm ấm như trong một gia đình lớn. Có lẽ, dù mỗi cán bộ chiến sỹ nhà giàn không sum vầy bên gia đình nhỏ của mình trong thời khắc đón giao thừa thiêng liêng, nhưng họ lại được ở trong một gia đình lớn với những trọng trách mà đất nước và nhân dân giao phó, nên càng thôi thúc cán bộ, chiến sỹ nhà giàn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc./..

Nguồn ĐCSVN