Tái bản cuốn sách “Khúc hát vườn trầu” về anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai

Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2013), NXB Kim Đồng tái bản cuốn sách “Khúc hát vườn trầu” của nhà văn Lê Minh.

Xuất bản lần đầu năm 1982, đây là lần tái bản thứ tư của cuốn sách. Cuốn sách giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về người nữ Đảng viên kiệt xuất Nguyễn Thị Minh Khai, về một giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam khi Đảng mới thành lập.

Bằng lối kể chuyện giản dị, ngôn ngữ miêu tả giàu cảm xúc, nhà văn Lê Minh đã khắc họa hình tượng người nữ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai vừa thông minh, khéo léo, kiên cường, vừa hết mực dịu dàng, yêu chồng, thương con, quan tâm đến từng đồng đội trong những hoàn cảnh éo le, gian khó nhất. Câu chuyện được kể lại phần lớn qua lời của cô con gái nhỏ Hồng Minh (tên cô được lấy từ tên của người cha Lê Hồng Phong và người mẹ Nguyễn Thị Minh Khai). Những tình cảm của người thân, của đồng bào, đồng chí dành cho người nữ Đảng viên anh hùng khiến người đọc xúc động khôn nguôi.

 

 Bìa cuốn sách (Ảnh: NXB cung cấp)

Cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu về thời kì gian khó của Cách mạng trong buổi đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng như nhà văn Lê Minh tâm niệm: “Lần tìm dấu vết Nguyễn Thị Minh Khai, tôi viết “Khúc hát vườn trầu”, như truyện cổ tích với các em, như lời hát ru về những kỳ tích của một thế hệ mở đường”.

Nhà văn Lê Minh là con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Bà từng tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến chống Pháp và nhiều công tác của Hội Công nhân, Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn… Độc giả biết đến nhà văn Lê Minh qua các tác phẩm: “Cu Dũng”, “Anh công nhân mới khu gang thép”, “Lớp học”, “ Mẻ gang đầu”, “Chị Tư già”, “Cô giáo trường Na Pà”, “ Ngày mai sắp đến”, “Con mèo rét”, “Rừng đước”, “Săn đuổi một tia chớp”… Ngoài ra, bà còn viết một số kịch bản điện ảnh: “Nhà văn của những người cùng khổ” (1994); “Mặt bằng yên tĩnh” (1996); “Nguyễn Thị Minh Khai” (1996).

Nhà văn Lê Minh cũng là tác giả từng đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 (ký “Kỷ niệm về Khu Đông”); Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 (truyện “Nắng”); Giải nhất giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980 – 1984) (tiểu thuyết “Hòn đảo một mình”).