Sông nước miền Tây Nam bộ sống động trên phim

     Những thay đổi trong cuộc sống, con người cùng các nghề truyền thống vùng sông nước miền Tây Nam bộ đang được phản ánh đa dạng, nhiều màu sắc trong các bộ phim truyện truyền hình. Nơi đây đang chuyển động từng ngày, gợi ra nhiều ý tưởng thú vị cho các nhà làm phim thể hiện, chắp cánh…

     Tay chơi miệt vườn (33 tập, đạo diễn Lê Quang Hưng, Hãng phim M&T Pictures sản xuất) bắt đầu phát sóng lúc 20 giờ các tối trong tuần trên SCTV14 tiếp tục tạo được chú ý vì câu chuyện của những gia đình nông dân miền Tây Nam bộ một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bỗng trở thành “đại gia chân đất” nhờ khoản tiền đền bù do quy hoạch đất đai. Sau khi nhận được tiền đền bù 3 lão nông: ông Tổ (Thanh Nam), ông Giá (Bảo Trí), ông Thống (Duy Phương) bỗng trở thành tỷ phú.

Cuộc sống ở ngôi làng nhỏ bé, yên bình của họ bỗng chuyển mình, đảo lộn. Tự nhiên có khoản tiền lớn họ đã sử dụng nó theo hiểu biết nông cạn, tự biến mình thành những “tay chơi miệt vườn” thái quá, khiến gia đình phải hứng chịu những chao đảo… Trước tình thế cả ba gia đình có thể tan nát vì sự đột ngột giàu lên, 3 lão nông họp nhau lại, quyết định đầu tư những số tiền cuối cùng cho con trai ông Tổ là Trấn (Tấn Nhã) mở Hợp tác xã nông nghiệp. Trấn vốn tốt nghiệp đại học nông nghiệp, luôn canh cánh việc về lại quê nhà xây dựng, cải thiện cuộc sống của người dân quê anh.

Có trình độ và bằng tâm huyết, nghị lực với sự giúp đỡ đồng lòng của tất cả mọi người, Trấn đã thành công và hợp tác xã của anh trở thành mô hình sống động trong việc sử dụng hiệu quả tiền đền bù đất để thay đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, cũng như thay đổi quan niệm không hợp thời của người nông dân trong việc đầu tư và sử dụng vốn đầu tư của mình… Với nhiều tình huống hài hước, cùng dàn diễn viên vào vai nông dân rất “ngọt” đã cho khán giả thấy rõ hơn những suy nghĩ và cuộc sống mới của người nông dân Nam bộ trước những biến động thời cuộc.

Trước đó, những làng nghề nổi tiếng của vùng miền Tây Nam bộ cũng được các nhà làm phim khai thác triệt để và gây được ấn tượng tốt với người xem. Một mảng tranh sinh động của vùng sông nước Nam bộ đã được “vẽ” từ chính những bộ phim truyền hình: Vịt kêu đồng nói về cuộc sống của những gia đình chăn vịt trước cơn đại dịch cúm gia cầm H5N1; Câu chuyện xứ dừa nói về nghề làm kẹo dừa truyền thống và rất nổi tiếng của Bến Tre đã mang lại cái nhìn mới mẻ, nhưng cũng đầy chia sẻ với những khó khăn trước cơn lốc thị trường. Hay Bến tình yêu nói về nghề làm bánh tráng; Thiên đường ở bên ta phản ánh thực trạng bi kịch của những cô gái miền Tây muốn đổi đời bằng việc đổ xô lấy chồng Hàn Quốc…

Tới đây, còn nhiều bộ phim truyền hình tiếp tục khai thác mảng đề tài về con người, cuộc sống vùng sông nước miền Tây Nam bộ với biết bao toan tính, trăn trở. Một số nhà sản xuất cho rằng, mảng đề tài này hết sức phong phú và còn nhiều “đất” để khai thác. Một số hãng phim đang tìm ý tưởng làm phim về những “anh trai làng” miệt sông nước miền Tây tình nguyện lên đường cầm súng canh giữ biển đảo của Tổ quốc thân yêu… Con người và cuộc sống nơi sông nước miền Tây Nam bộ đang trở nên hấp dẫn, gợi mở nhiều ý tưởng thú vị cho các nhà sản xuất phim truyền hình hiện nay.

Các đài truyền hình cũng hết sức ưu ái với những bộ phim mang nét đặc thù vùng miền, bởi chính những bộ phim này cho khán giả cả nước hiểu thêm về con người, phong tục, thế mạnh của từng địa phương trong cả nước; đồng thời góp phần làm hấp dẫn thêm màn ảnh nhỏ.