Sở Y tế Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

(THTG) Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1951/UBNDKGVX ngày 05 tháng 4 năm 2024 và chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng tại Công văn số 282/DP-DT ngày 06 tháng 4 năm 2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người.

Ngành Y tế diễn tập phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người tại thị xã Gò Công năm 2013(di chuyển người bệnh nghi nhiểm cúm gia cầm ra khỏi nhà)

Ngày 05/4, Sở Y tế có Công văn số 1338/SYT-NVYD tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người đề nghị Bệnh viện Quân y 120, Bệnh xá Công an tỉnh và yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các hoạt động.

Cụ thể, đối với cơ sở khám chữa bệnh(công lập và ngoài công lập) tập trung theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do vi rút được ban hành kèm theo Quyết định số 5372/QĐ-BYT ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế. Đặc biệt chú ý các trường hợp bệnh nhân là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch bệnh cúm trên gia cầm/dịch bệnh cúm gia cầm trên người. Khi phát hiện trường hợp viêm phổi nặng do vi rút đáp ứng định nghĩa trường hợp bệnh theo Quyết định số 5372/QĐ-BYT, cơ sở khám chữa bệnh cần phải tiến hành thông báo trường hợp bệnh; điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm; bảo quản, đóng gói, vận chuyển mẫu bệnh phẩm.

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và Trung tâm y tế tuyến huyện: chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để thu dung, cách ly, điều trị khi có ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút; thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tiếp tục theo dõi, giám sát trường hợp nhiễm cúm A(H9) và các trường hợp tiếp xúc gần, báo cáo về Sở Y tế khi có thông tin mới và khi kết thúc ổ dịch. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trong việc: điều tra các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định và kịp thời gửi mẫu đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.     Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với Trung tâm y tế tuyến huyện trong việc điều tra dịch tễ ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút, theo dõi những người tiếp xúc gần, thực hiện báo cáo theo quy định. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người; nắm bắt thông tin về các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, thông tin về những khu vực có tỷ lệ gia cầm mắc bệnh cao trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định vùng nguy cơ để định hướng và tổ chức các hoạt động 3 kiểm soát yếu tố nguy cơ, truyền thông giáo dục sức khỏe nhắm đúng vào các nhóm đối tượng đích, giúp công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người đạt hiệu quả cao hơn. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn về giám sát và đáp ứng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên người; tham mưu Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên người tại các cơ sở y tế.

Diễn tập phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người tại thị xã Gò Công năm 2013

Đối với Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố: Tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường giám sát, phát hiện sớm trong cộng đồng các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm, viêm đường hô hấp trên người chưa rõ nguyên nhân và các trường hợp gia cầm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân để có thể triển khai xử lý dịch bệnh kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người. Đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm. Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch cúm gia cầm trên người, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với tuyến y tế cơ sở trong việc xử lý ổ dịch cúm gia cầm trên người và thực hiện báo cáo theo quy định. Trung tâm Y tế huyện Châu Thành tiếp tục theo dõi, giám sát trường hợp nhiễm cúm A(H9) và các trường hợp tiếp xúc gần, báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế khi có thông tin mới và khi kết thúc ổ dịch.

THANH HOÀNG.