Quốc hội nghe các báo cáo, tờ trình của Chính phủ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chiều 20/10, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe một số tờ trình của các thành viên Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, và phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe một số tờ trình của các thành viên Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 (Ảnh: Mạnh Hùng) 

 

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Do tác động của giá dầu thô giảm, nên mặc dù ước thu ngân sách năm 2015 vượt 16.400 tỷ đồng, so với dự toán tăng 7,4% nhưng phần ngân sách Trung ương sau khi bù trừ giảm 31 nghìn 300 tỷ đồng so với dự toán. Thu cân đối, ngân sách địa phương vượt 47 ngàn 700 tỷ đồng trong khi phần lớn các địa phương thu đạt và vượt dự toán và dự kiến vẫn còn 8 địa phương giảm thu cân đối ngân sách địa phương. Về cân đối Ngân sách Nhà nước: 9 tháng đầu năm bội chi ngân sách Nhà nước là 140.970 tỷ đồng bằng 62,4% dự toán năm, tính đến hết tháng 9 đã thực hiện phát hành 127.473 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp cho bội chi nhà nước và cho đầu tư phát triển bằng 51% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm. Hệ thống Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ chủ yếu từ các Tổ tín dụng chưa thu hút được nhiều sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên cơ sở bám sát các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới Chính phủ đề xuất, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, nhất là vùng còn nhiều khó khăn. Tạo cơ sở thu hút cac nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, ưu tiên bố trí các nhiệm vụ quan trọng của Quốc phòng an ninh và các chính sách an sinh xã hội đã ban hành. Thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát các lĩnh vực, nhiệm vụ chi để bố trí có trọng tâm trọng điểm và kết hợp với việc triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công, gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công.

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ giải pháp trong báo cáo đề ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị rà soát lại các khoản thu nhà nước, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu, đồng thời cần tính toán lại chiến lược thu trong trung hạn và dài hạn phấn đấu mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20% GDP/năm trong những năm tới. Về chi ngân sách nhà nước đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo định mức 2011 – 2015, Ủy ban tài chính ngân sách tán thành với một số biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyên theo đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị cần rà soát đánh giá kỹ hơn hiệu quả của nhiều chương trình dự án để có biện pháp chi thường xuyên một cách triệt để hơn so với 2015. Cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, hình thức, lãng phí, đặc biệt là khoản chi khánh tiết, hội nghị, chi công tác nước ngoài. Đối với chi đầu tư phát triển, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo chi tiết về mức phân bổ vốn đầu tư phát triển ở trung ương và các địa phương theo cách tính mới để có cơ sở xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày khẳng định: Qua hoạt động thực hiện triển khai các chương trình đã phát hiện các điển hình tiên tiến, những cơ chế chính sách mới, mô hình sản xuất mới phù hợp với thực tiễn từng vùng miền, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Chương trình nhiều trong khi nguồn lực huy động còn hạn chế, kết quả của một số chương trình thực hiện chưa cao, do đó Tờ trình của Chính phủ đề nghị lồng ghép 16 chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2011-2015 xuống còn hai chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thực hiện rà soát lại của 14 chương trình đang thực hiện, không thực hiện tiếp tục trong giai đoạn 2016-2020.

Thẩm tra về tổng kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và định hướng thời gian tới, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tán thành việc tổ chức lại Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại 2 Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 Chương trình này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, thống nhất với dự kiến về các mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban tài chính ngân sách cũng cho rằng, vấn đề nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đề cập trong nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là chưa hợp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần xây dựng mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng bảo đảm tính minh bạch cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư giám sát đánh giá kết quả của chương trình.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Ngày mai, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật kế toán (sửa đổi)./.

Nguồn ĐCSVN