Phát triển du lịch tâm linh để bảo tồn di sản

Một trong những ưu điểm lớn của du lịch tâm linh là tôn trọng các giá trị truyền thống văn hóa xã hội trong khi vẫn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân bản địa.

Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính

Hiện tượng Ninh Bình

Với một địa phương giàu di sản đậm đà giá trị tinh thần như tỉnh Ninh Bình, sản phẩm du lịch tâm linh (DLTL) đã tạo được bước đột phá mới, thay đổi cuộc sống cả chục ngàn người dân vùng đất Gia Viễn-Hoa Lư.

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và con người cũng tạo nên ở nơi đây nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc-Bích Động… Đặc biệt, du lịch nói chung và DLTL của Ninh Bình đã có sự lột xác với sự xuất hiện của khu DLTL chùa Bái Đính.

Hiện nay, Ninh Bình có gần 1.500 di tích lịch sử-văn hóa, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 77 di tích cấp quốc gia và 120 di tích cấp tỉnh.

Phát huy lợi thế là mảnh đất thiêng, từng là cố đô của ba vương triều là Đinh, Tiền Lê, Lý gắn liền với những biến chuyển trọng đại trong lịch sử của dân tộc; là nơi hội tụ, giao thoa của Phật giáo và Thiên Chúa giáo… du lịch chuyên về văn hóa, tâm linh đã và đang trở thành thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh Ninh Bình.

Và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Khu du lịch sinh thái Tràng An

Ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết, nếu như năm 2005, toàn tỉnh đón 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu 60 tỷ đồng, thì đến năm 2012 ngành Du lịch Ninh Bình đã đón trên 3,7 triệu lượt khách và doanh thu trên 800 tỷ đồng.

Riêng năm 2013, ước tính có khoảng 5 triệu lượt khách tới các điểm du lịch ở Ninh Bình và doanh thu dự kiến đạt khoảng gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 2/3 là khách DLTL. Đây là một con số tăng trưởng ấn tượng của ngành Du lịch địa phương trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình Lâm Quang Nghĩa nhớ lại, hơn 10 năm trước, Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến; đường đi vào rất khó khăn; người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh.

Từ khi có dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt kinh tế-xã hội nơi đây đã đổi thay. Với việc tham gia vào các công việc của ngành công nghiệp không khói (như chèo đò, bán vé, chụp ảnh, bán hàng, làm đồ lưu niệm…), hàng chục ngàn người dân xung quanh các khu du lịch của Ninh Bình đã có việc làm, thu nhập bình quân từ 2-6 triệu đồng/tháng. Cùng với nguồn thu từ nông nghiệp và kinh tế hộ, người dân đã có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn so với trước.

Không những thế, nhờ DLTL, người dân địa phương đã được học hỏi nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mình; được hưởng điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng văn hóa như đường giao thông, thông tin, điện, trường học, dịch vụ y tế…

Ông Lâm Quang Nghĩa cho biết thêm, do lợi ích được đảm bảo, người dân Ninh Bình đã tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương gìn giữ bảo vệ các giá trị, văn hóa tâm linh, công trình kiến trúc tôn giáo tại địa phương, để vừa phục vụ cho đời sống tâm linh cộng đồng và vừa phát triển du lịch.

Nguồn Chính phủ