Phát triển bền vững hoa Đà Lạt

       Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt lần thứ 4, một hội thảo khoa học về hoa được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào ngày 2/1, nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cây hoa, cũng như thương hiệu hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.


Một điểm sản xuất và trưng bày hoa trong nhà lưới ở Đà Lạt- Ảnh Chinhphu.vn



























     Hoa Đà Lạt ngày càng phát triển mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài các loài hoa truyền thống, các giống hoa chất lượng cao được đưa vào khai thác và mở rộng quy mô sản xuất như lily, cúc, bibi, cát tường, sao tím, sa lem, địa lan, thiên điểu, tulip…

Diện tích trồng hoa của tỉnh Lâm Đồng tập trung chủ yếu  ở thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Lạc Dương. Tổng diện tích hoa hiện nay là 3.449 ha, sản lượng gần 1,2 tỷ cành/năm. Trong đó thành phố Đà Lạt chiếm gần 40% diện tích và 50% sản lượng của cả tỉnh.

Trình độ sản xuất hoa ngày càng được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp đã trồng hoa cao cấp theo hướng công nghệ cao doanh thu đạt 2-2,5 tỷ đồng/năm/ha. Hoa Đà Lạt cung cấp cho các địa phương trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan,…với số lượng khoảng 110 triệu cành/năm, chiếm 10-11% sản lượng hoa của cả tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hoa đạt 16 triệu USD.

Các nhà khoa học cho rằng, để ngành hoa Đà Lạt cũng như của cả tỉnh Lâm Đồng phát triển theo hướng bền vững phải tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh trồng hoa chi tiết hơn, chú trọng vùng sản xuất hoa công nghệ cao. Đa dạng hoa nguồn vốn cho phát triển sản xuất hoa và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hoa.

Khẩn trương hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho cây hoa Đà Lạt. Đây là cơ sở để tăng giá trị kinh tế cho nông hộ trồng hoa và cũng là nền tảng để thương hiệu hoa Đà Lạt vươn mạnh mẽ ra khắp năm châu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, các thiết bị tưới nước tự động, thiết bị châm phân tự động, đồng thời phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý tổng hợp; ứng dựng các quy trình công nghệ an toàn để sản xuất.

Phát triển các giống hoa truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời, chú trọng công tác nghiên cứu, bảo tồn, lai tạo các giống hoa mới có chất lượng. Giải quyết các vấn đề căn bản về kỹ thuật trong nhân dân như ươm giống, trồng sản xuất và bảo quản hoa sau thu hoạch.

Hội thảo lần này cũng là dịp để UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành đưa ra những định hướng và giải pháp xây dựng chiến lược trồng hoa  đến năm 2020 và những năm tiếp theo theo hướng nông nghiệp hiện đại và bền vững.