Nửa thập kỷ sau diệt chủng Rohingya ở Myanmar

Ngày 25/8/2017, một cuộc tấn công của các tay súng người Rohingya vào chốt vũ trang của quân đội Myanmar đã gây nên chiến dịch trấn áp quân sự với dân thường lớn chưa từng có mà UN gọi là “sự thanh lọc sắc tộc”. Năm năm sau, những người Rohingya bất hạnh vẫn chưa thể đòi lại công lý.

Câu chuyện của một thiếu niên Rohingya

Năm 2012, Kamal Ahmad, một thiếu niên 15 tuổi sống ở khu Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine phía Tây Myanmar. Nhiều tuần trước đó, em đã được nghe về các cuộc bạo động và những thiếu niên như em được trang bị vũ khí như giáo và gươm để tiến về các khu vực của Hồi giáo và Phật giáo đang bốc cháy.

Ngày 10/6 năm đó, Tổng thống Myanmar khi đó là Thein Sein đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở bang Rakhine, giao cho quân đội mọi quyền điều hành.

nua thap ky sau diet chung rohingya o myanmar hinh anh 1
Những đứa trẻ Rohingya vượt qua sông Naf để sang lánh nạn tại Bangladesh hồi năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Lớn lên ở Sittwe, nơi con sông Kaladan đổ ra vịnh Bengal của Ấn Độ Dương, Kamal cảm thấy cộng đồng của em, những người Hồi giáo Rohingya không được đối xử như những người hàng xóm theo đạo Phật của họ. Những người Rohingya đều nghèo hơn, không thể đi học, thay vào đó là phải làm việc trong các trang trại hoặc công trường xây dựng với số lương ít ỏi.

Đầu năm 2012, Kamal nhận thấy càng ngày càng có nhiều cảnh sát tuần tra ở khu phố của mình. Những người xung quanh bắt đầu gọi người Rohingya là “những kẻ khủng bố” và họ đang có tỷ lệ sinh “không kiểm soát”, rồi tương lai sẽ là những người chiếm lấy Rakhine. “Họ phát những tờ rơi có nội dung: Bạn cần quét sạch những người này nếu không họ sẽ lấy đất của bạn” – Myat Noe Khaing, một phụ nữ Rphongya đến từ Sittwe nói.

Trong cuốn: “The Rohingyas: Inside Myanmar’s Hidden Genocid” (Người Rohingya: Trong cuộc diệt chủng bí ẩn của Myanmar) cho biết, người Anh đã từng hứa với người Rohingya sẽ cho họ một vùng tự trị khi dân tộc này đứng về phía Anh ở thế chiến II. Tuy nhiên sau đó lời hứa đã bị lãng quên. Người Rohingya cũng đã từng được công nhận sau khi Myanmar giành độc lập vào năm 1948 khi có một số người thế hệ thứ hai được cấp thẻ căn cước và thậm chí được làm việc trong quốc hội. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962.

Tại sao người Rohingya lại bị đặt bên lề của xã hội Myanmar? Theo các chuyên gia nghiên cứu điều đó xuất phát từ 3 lý do, thứ nhất họ là dân tộc theo Hồi giáo nhưng lại sống ở một quốc gia theo Phật giáo. Thứ hai, đó là ủng hộ Anh (nước đô hộ Miến Điện trước thế chiến II) trong khi phong trào quốc gia Miến Điện lại theo Nhật để giành độc lập. Thứ ba, đó là một toan tính chính trị muốn tách ra để gia nhập một quốc gia Hồi giáo.

Im lặng

Tháng 11/2017, Hội nghị ngoại trưởng giữa EU và các đối tác châu Á (ASEM) lần thứ 13 diễn ra tại Naypyidaw, một hội nghị lớn hiếm hoi được tổ chức tại Myanmar. Lúc đó, vấn đề người Rohingya trở thành tâm điểm khi hội nghị có sự góp mặt của nhà lãnh đạo Myanmar là Aung San Suu Kyi, người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1991. “Im lặng”, đó là tất cả những gì mà chính quyền dân sự Myanmar thể hiện trước truyền thông khi đó.

Sự im lặng của họ vấp phải sự chỉ trích rất dữ dội từ cộng đồng quốc tế bởi trước đó:

nua thap ky sau diet chung rohingya o myanmar hinh anh 2
Bà Aung San Suu Kyi im lặng sau những câu hỏi về thảm họa Rohingya ở hội nghị ASEM 13 diễn ra ngay tại Myanmar (Ảnh: Quang Trung).

Tháng 8/2017, truyền thông thế giới đưa tin về cuộc di tản lịch sử của 687.000 người Rohingya từ Myanmar vượt sông Naf để sang lánh nạn tại Bangladesh. Đây là một con sông lớn, có chỗ rộng đến 2 km và các đoàn người cứ thế rồng rắn bồng bế nhau, dùng thúng, dùng thuyền để từ Myanmar chạy qua nước láng giềng Bangladesh, nơi họ hy vọng sẽ được công nhận.

Liên Hợp Quốc tuyên bố đây là khủng hoảng nhân đạo phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các tổ chức cứu trợ dùng các từ “âm mưu diệt chủng” và “tẩy tộc”. Nếu tính theo tỷ lệ thì đây quả là kỷ lục. Gần 700.000 người này là 2/3 dân số của tộc Rohingya đang ở tại Myanmar.

Tại sao lại có cuộc di tản khủng khiếp tới như vậy, tất cả bắt nguồn từ ngày 25/8, khi một nhóm vũ trang của người Rohingya tấn công vào các chốt kiểm soát của cảnh sát và quân đội Myanmar. Phía nhà cầm quyền đã quay trở lại trấn áp bằng một chiến dịch lớn khiến người dân cực kỳ hoang mang. Trước đó, do lịch sử để lại những người Rohingya không được Myanmar công nhận là một sắc dân của họ, những người này không có quyền công dân, không được bỏ phiếu, không được đi học, không được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản và không được sinh quá hai con cũng như đi ra khỏi nơi cư trú mà không được phép.

Theo nghiên cứu của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ít nhất có khoảng 10.000 người Rohingya đã thiệt mạng trong cuộc di tản này. Bà San Suu Kyi sau đó cũng bị chỉ trích vì được cho là im lặng cho quân đội hành động, thậm chí nhiều ý kiến nổi lên rằng phải tước bỏ giải thưởng Nobel hòa bình của bà.

Sự im lặng của Facebook

Khi cuộc trấn áp quân sự diễn ra, một lượng lớn các bài đăng trên mạng xã hội Facebook đã kêu gọi giết người và bạo lực chống lại người Rohingya. Những bình luận đã được chia sẻ và được “thích” hàng nghìn lần. Lúc đó, Facebook đang muốn tiến vào thị trường Myanmar và gần như để im cho những bình luận này tồn tại bất chấp những báo cáo.

Những bài đăng trên Facebook ví dụ như một bức ảnh cho thấy đầy ắp người tị nạn Rohingya trên một chiếc thuyền đã được đưa ra với chú thích: “Hãy đổ xăng và châm lửa để chúng đến với thánh địa Allah nhanh hơn”.

Điều tra của Reuters năm đó phát hiện hơn 1.000 ví dụ về các đoạn đăng, bình luận và hình ảnh tấn công người Rohingya và các nhóm Hồi giáo khác trên Facebook.

nua thap ky sau diet chung rohingya o myanmar hinh anh 3
Một binh sỹ trấn áp người Rohingya tại trại tị nạn ở Bangladesh (Ảnh: Reuters).

Người Rohingya bị gọi với một cái tên miệt thị là “Kalar”, để chỉ những người tới tự tiểu lục địa Ấn Độ. Nhiều người ở Myanmar coi người Rohingya là nhập cư bất hợp pháp và chiếm đất của họ ngay cả khi những người này đã sống ở đây hàng thập kỷ.

Facebook sau đó cũng bị chỉ trích nặng nề và các luật sư đòi công bằng cho người Rohingya đã đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao Vương quốc Anh. Bất chấp điều đó, công ty này vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ một bản án pháp lý nào cho tới nay.

Vấn đề của các nguyên đơn là theo luật hiện hành của Mỹ, Facebook và Meta không thể chịu trách nhiệm về nội dung được đăng bởi người dùng của họ. Facebook không được coi là tác giả hay người tạo ra các bài đăng mà chỉ đơn thuần là một nền tảng cung cấp cơ sở hạ tầng cho nội dung. Điều này được quy định trong Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (CDA) năm 1996. Đó là lý do tại sao các nguyên đơn kêu gọi vụ việc được xét xử theo luật của Myanmar, vốn không đưa ra các miễn trừ trách nhiệm như vậy.

Số phận của dân tộc đau khổ Rohingya giờ ra sao?

Năm nay sau cuộc di tản lịch sử, sự trở về của những người Rohingya vẫn đang bị bỏ ngỏ, nhất là trong hoàn cảnh bất ổn chính trị tại Myanmar. Bangladesh và một phần nhỏ ở Thái Lan trở thành khu tị nạn của người Rohingya nhưng có lẽ sự “tạm thời” đó sẽ kéo dài trong vài năm bởi cả hai quốc gia này đều muốn đưa những người Rohingya quay trở lại Myanmar.

Về phương diện pháp lý, ngày 21/3/2022, Mỹ tuyên bố bạo lực tại Myanmar năm 2017 lên tới mức diệt chủng và có bằng chứng rõ ràng về nỗ lực “tiêu diệt” người Rohingya. Trước đó, Gambia cũng đã đệ đơn lên Tòa Công lý Quốc tế (IJC) về tội ác diệt chủng bất chấp sự phản đối của Myanmar. Theo tiến trình, tòa có thể đưa ra phán quyết vào năm 2024.

nua thap ky sau diet chung rohingya o myanmar hinh anh 4
Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh. Phóng sự ảnh về người tị nạn Rohingya của Reuters giành giải Pulitzer 2018. (Ảnh: Reuters).

Liên Hợp Quốc liên tục khẳng định sẽ không bỏ rơi người Rohingya, tuy nhiên, mọi nỗ lực diễn ra vẫn rất chậm chạp.

Những đứa trẻ như Kamal Ahmad ở đầu bài viết cũng đã trưởng thành song phần nhiều trong số đó vẫn phải ở trong mạng lưới các trại tị nạn. Trong nửa thập kỷ, hy vọng quay trở lại càng xa vời hơn bao giờ hết kể từ biến cố chính trị ở Myanmar vào tháng 2 năm ngoái.

Trong phóng sự của AFP nhân 5 năm ngày diễn ra thảm họa, những đứa trẻ trong các trại tị nạn người đã bắt đầu được đi học, chúng hát quốc ca Myanmar mỗi buổi sáng với hy vọng sẽ được quay trở lại nơi mình sinh ra. Tuy nhiên, việc hồi hương chỉ diễn ra khi các điều kiện về an toàn và bền vững tồn tại ở Myanmar.

Theo con số thống kê của UN, khoảng 50% người Rohingya ở các trại tị nạn là những người dưới 18 tuổi, tức là con số này khoảng nửa triệu người. Những đứa trẻ này gần như không có tương lai, chúng không được phép ra khỏi trại, không có lựa chọn và sống trong một môi trường tối thiểu. Những người Rohingya sau 5 năm vẫn là miếng mồi ngon cho bọn buôn người với những lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Nguồn vov.vn