Nhật Bản mất vệ tinh 286 triệu USD do cập nhật phần mềm

Vệ tinh Hitomi của Nhật Bản đã chính thức bị mất sau khi nó bị tan rã trên quỹ đạo do mất kiểm soát. Nguyên nhân đằng sau sự cố đang được điều tra nhưng một số điều tra ban đầu cho thấy dữ liệu sai trong gói phần mềm đã khiến Nhật Bản mất đi vệ tinh trị giá 286 triệu USD, đó là chưa kể đến giá trị của 10 năm nghiên cứu trước đó.

1

Vệ tinh Hitomi được phóng lên ngày 17-2 (ảnh Kyodo News).

Vệ tinh này của Nhật Bản còn có tên ASTRO-H được phóng thành công vào ngày 17-2-2016. Sau hơn một tháng thì sự cố xảy ra vào ngày 26-3. Vào ngày 28-3, những nỗ lực cứu vệ tinh đã vô hiệu và việc điều tra chỉ còn giá trị tránh các sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, không chỉ việc cập nhật phần mềm chịu trách nhiệm vệ tinh bị vỡ vụn. Tại thời điểm đó, vệ tinh đã đi qua nam Đại Tây Dương một cách bất thường và đưa Hitomi vào tình trạng mất liên lạc, tức điều khiển từ mặt đất đã không giám sát được trạng thái của vệ tinh. Một vấn đề khác cũng cần được xem xét là vành đai bức xạ bao quanh trái đất tại khu vực này có mật độ các hạt cao hơn các khu vực khác và các hạt năng lượng cao này có thể là nguyên nhân phá hủy các thiết bị điện tử bên trong vệ tinh.

Vệ tinh Hitomi được đưa lên vũ trụ để quan sát các tia X được thoát ra từ hố đen và là kết quả hợp tác giữa Cơ quan khám phá vũ trụ Nhật Bản (JAXA), NASA và một số tổ chức khác.

Trong thông báo của mình với báo chí vào ngày 28-4, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian thuộc JAXA, ông Saku Tsuneta, cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng vệ tinh đã ở trạng thái mà chức năng của nó không hy vọng có thể khôi phục”.

Vệ tinh có chức năng tương tự sẽ được phóng lên vào năm 2028 bởi Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu.

Nhân Dân điện tử