Người Thái Lan yêu tranh quý của Việt Nam

      Hơn 100 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam được ông Tira Vanichtheeranont sưu tầm chỉ trong vài năm. Ông vừa trình làng công chúng bộ sưu tập này ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Từ đầu năm 2009, Tira Vanichtheeranont cho biết, ông may mắn được sở hữu bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam do các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tác.

Sưu tập này gồm các tranh, ký họa, phác thảo bằng nhiều chất liệu, được sáng tác trong giai đoạn 1930 - 1970. Trong đó, nhiều tác phẩm phản ánh sinh động các sự kiện lịch sử, mang đậm dấu ấn thời đại.

“Phố”, sơn dầu trên vải của Bùi Xuân Phái.

“Không may, chúng chưa được công nhận bởi các nhà sưu tập và không có nhiều người chú ý đến. Tuy nhiên, là một người nước ngoài làm việc ở Việt Nam hơn hai thập kỷ, tôi nhận ra tầm quan trọng của những tác phẩm này. Chúng cần được giới thiệu đến các nhà nghiên cứu lịch sử và người yêu mỹ thuật”, ông Tira Vanichtheeranont bày tỏ.

Với ý nghĩa như thế, ông quyết định cho trưng bày hơn 100 bức tranh thuộc nhiều thể loại, chất liệu sáng tác của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như: Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đạo, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí… Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, từ ngày 7 đến 14/10.

Một vị khách chiêm ngưỡng tranh trong bộ sưu tập của ông Tira ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Các bức tranh triển lãm lần này chủ yếu được ông Tira Vanichtheeranont mua lại từ ông Petro Paris, nguyên là Tham tán thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Italy tại Việt Nam giai đoạn 1980 - 1983 và 1988 - 1990. Khi ông Paris qua đời, người vợ Thái Lan của ông bán lại 50 bức họa trong sưu tập của chồng cho Tira Vanichtheeranont.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đánh giá, đây là bộ sưu tập rất giá trị. “Những bức tranh phản ánh rõ nét đời sống của dân tộc Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 với nhiều bút pháp khác nhau”, ông nói.

Cùng ý kiến, tiến sĩ Nora A.Taylor (Giáo sư quỹ Alsdorf về Lịch sử Mỹ thuật Đông Nam Á, Học viện Nghệ thuật Chicago) cho rằng, bộ sưu tập ký họa Việt Nam của ông Tira mang giá trị lịch sử đặc biệt. “Về nhiều phương diện, bộ sưu tập của Tira có sức nặng và giá trị hơn hẳn các bộ sưu tập hội họa hiện đại và đương đại khác, kể cả sưu tập của các bảo tàng nghệ thuật Đông Nam Á hiện nay. Ông chọn một lối đi nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa hơn về lâu về dài là chỉ sưu tầm tranh giấy, ký họa, phác thảo và tranh truyện, những thứ dễ dàng bị bỏ quên hoặc gạt ra ngoài lề của cơn lốc thị trường”, tiến sĩ Nora nói.

Để giới thiệu các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đến công chúng, ông Tira Vanichtheeranont còn mời họa sĩ Phan Cẩm Thượng thực hiện một cuốn sách mỹ thuật dựa trên sưu tập của ông. Sách hoàn thành năm 2010, có tên “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại”. Dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, triển lãm đầu tiên về bộ sưu tập và giới thiệu cuốn sách được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Tira, nhà sưu tập Thái Lan (trái), ký tặng vào cuốn sách “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại”.

Tira Vanichtheeranont sinh năm 1949. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Học viện công nghệ DeVry, Chicago, Mỹ và làm việc chuyên về ngành viễn thông tại Bangkok, Thái Lan từ năm 1983 - 1987. Từ 1987 - 2006, ông làm về viễn thông và điện lực tại Bưu điện Việt Nam và Công ty Điện lực TP HCM. Từ khi nghỉ hưu vào năm 2006, ông làm chủ một phòng tranh tại Bangkok.

Năm 2010, Tira được sở hữu nhiều bản vẽ của họa sĩ Tôn Đức Lượng, trong đó có bộ ký họa “Khu kinh tế thanh niên 1971 - 1972”. Từ những lần sưu tập, Tira có cơ hội quen biết và làm bạn với nhiều họa sĩ Việt Nam. Để kết nối tình bạn giữa họa sĩ Thái - Việt, cuối năm 2010, ông tổ chức một chuyến đi sáng tác tại Hà Nội cho các họa sĩ Thái Lan. Sau đó, ông tổ chức triển lãm tại Hà Nội mang tên: “Triển lãm Mỹ Thuật Thái Việt - Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”.