Ngày càng nhiều nhà lãnh đạo thế giới “chăm” mạng xã hội

Hiện nay, số lượng các nhà lãnh đạo trên thế giới sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter…) ngày càng nhiều khi mạng xã hội được xem là kênh thông tin hữu hiệu nhằm kết nối họ với người dân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong thời đại thông tin cập nhật từng giây, mạng xã hội đã và đang là công cụ không thể thiếu trong công tác đối nội cũng như đối ngoại của nhiều lãnh đạo trên thế giới.

Thật dễ hiểu trong thời đại thông tin cập nhật từng giây, mạng xã hội đã và đang là công cụ không thể thiếu trong công tác đối nội cũng như đối ngoại của nhiều lãnh đạo trên thế giới. Có không ít số liệu, thống kê, khảo sát đã chứng minh cho xu hướng trên. Theo số liệu của trang thống kê Digital Policy Council, cứ 5 vị lãnh đạo thì có 4 người hiện đang sử dụng mạng xã hội. Theo một khảo sát mới trên trang web thống kê Statistics Portal, năm 2014 trong số 167 nguyên thủ quốc gia thì 136 người (82%) sử dụng tài khoản Twitter làm công cụ kết nối, năm 2010 con số này chỉ là 20%.

Theo thống kê của tờ New York Times, một loạt lãnh đạo quốc tế từ thủ tướng Anh, Chile, Mexico, các quan chức Liên minh châu Âu đã chính thức đăng ký dùng Twitter.

Với việc cả Twitter lẫn Facebook đều có xuất xứ từ Mỹ, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Tổng thống Barack Obama dẫn đầu danh sách nhà lãnh đạo có lượng người theo dõi (follower) cao nhất thế giới. Tính đến đầu năm 2015, tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ đã có hơn 53 triệu người theo dõi, hơn nhiều lần so với con số đó của người đứng thứ hai là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9,5 triệu).

Tổng thống Mỹ Barack Obama có hàng loạt tài khoản mạng xã hội khác nhau, từ Facebook, Twitter đến BlackPlanet.com, MiGente.com… Có thể nói hầu hết quan chức Mỹ đều sử dụng mạng xã hội.

Đối với các chính trị gia phương Tây và cả nhiều quốc gia châu Á, mạng xã hội là công cụ không thể thiếu.

Mạng xã hội giúp các chính trị gia kết nối trực tiếp với cử tri, tiếp nhận phản hồi nhanh chóng từ người dân và đánh giá quan điểm chung của dư luận.

Các chuyên gia bầu cử Mỹ đánh giá mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn chính trường nước này. Trong quá trình vận động tranh cử, nhiều nhà phân tích cho rằng việc ông Obama vượt qua ông John McCain (2008) và đánh bại ông Mitt Romney (2012) đều nhờ công rất lớn của mạng xã hội.

Sau khi đắc cử Tổng thống nhiệm kì thứ hai vào tháng 11/2012, ông Obama đã cho đăng tải một “tweet” với nội dung “Thêm bốn năm nữa”. Tweet này hiện đứng thứ hai trong danh sách những tweet có lượng chia sẻ cao nhất mọi thời đại, với 757.646 lượt.

Mạng xã hội cũng được đánh giá là thay đổi đáng kể chính trường Singapore kể từ cuộc bầu cử năm 2011. Nhờ mạng xã hội, các nhà lãnh đạo nước này kết nối được với nhiều người dân hơn với tốc độ nhanh hơn.

Khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã lần đầu tiên đối thoại với cử tri qua trang Facebook.

Dân mạng đến nay còn lưu truyền câu chuyện rằng mạng xã hội đã giúp ông Francois Hollande thắng cử khi tranh chức Tổng thống với ông Nicolas Sarkozy ở Pháp hồi 2012.

Ông Hollande, dù chỉ là ứng viên ra tranh cử, đã khôn khéo liên tiếp tục sử dụng mạng xã hội để bày tỏ những dự định của mình nếu đắc cử.

Dù vậy, giới chuyên gia chính trị và truyền thông cảnh báo mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi đối với các chính trị gia. Một thông điệp sai sót trên mạng xã hội có thể khiến họ đối mặt với làn sóng chỉ trích lan nhanh chóng mặt trên mạng Internet.

Nguồn Chính phủ