“Mùa vàng” của điện ảnh Việt
Thành công cả về doanh thu lẫn dư luận từ những bộ phim chiếu trong dịp Tết, điện ảnh Việt tiếp tục mở ra kỳ vọng cho mùa phim mới với những dự án được đầu tư lớn
Cảnh trong phim Mỹ nhân kế. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Vượt qua doanh thu Avatar!
Chưa lúc nào doanh thu phim Việt lại cán mốc ấn tượng chỉ trong một thời gian rất ngắn như thế. Ngay cả đến siêu phẩm điện ảnh Avatar của đạo diễn James Cameron – một trong những phim mở đầu cho “kỷ nguyên điện ảnh 3D”, từng là một hiện tượng của năm 2009 – cũng phải mất đến 8 tuần công chiếu tại Việt Nam mới thu được 39 tỉ đồng.
Không phải là bộ phim quá xuất sắc nhưng Mỹ nhân kế đủ sức kéo khán giả đến rạp bằng những “chiêu thức” riêng. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã rất biết cách biến “con cưng 17 tỉ đồng” này trở thành tâm điểm lựa chọn trong thực đơn giải trí mùa Tết của khán giả bằng sự khác biệt. Trước nhất là việc “đi trước đón đầu xu thế” trong lựa chọn thể loại, biết cân bằng giữa những yếu tố “sao + hành động + hài hước”, hiểu rõ thị hiếu khán giả cũng như ra rạp đúng thời điểm.
Nếu so với Thiên mệnh anh hùng thì Mỹ nhân kế thua hẳn về mức độ hoành tráng và ấn tượng để lại. Phim còn đơn điệu về nội dung, thiếu cao trào, không có kịch tính đỉnh điểm và mọi lý giải về xuất thân, động cơ của nhân vật đều không thuyết phục. Nhưng rõ ràng, sự tính toán và sáng tạo trong cách thể hiện của đạo diễn đã khiến Mỹ nhân kế đầu tư kinh phí ít hơn nhưng hiệu quả doanh thu cao hơn. Dù vậy, phải thấy rằng Mỹ nhân kế đã đạt đến tầm thuyết phục hơn so với những phim cũng có doanh thu ngất ngưỡng trong những năm trước: Long Ruồi (42 tỉ đồng), Cưới ngay kẻo lỡ (34 tỉ đồng)…
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng nói ở mỗi thời điểm, điện ảnh Việt sẽ có riêng một hiện tượng. Có lẽ đến thời điểm này, Mỹ nhân kế của anh đã góp phần tạo niềm tin cho các nhà sản xuất khi chứng minh được rằng: làm phim cổ trang không phải lúc nào cũng lỗ vốn và trở thành nỗi e ngại của các nhà sản xuất – như nhận định của nhiều người trong giới.
Ngoài Mỹ nhân kế, bộ phim Nhà có năm nàng tiên cũng có doanh thu ấn tượng: 35 tỉ đồng chỉ sau 2 tuần công chiếu (theo số liệu cung cấp của nhà sản xuất). Thông tin từ hệ thống rạp chiếu Megastar cho hay doanh thu mùa Tết năm nay của đơn vị này đã tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn nhờ phim Việt. Quả là một “kết quả rực rỡ” làm nức lòng nhà sản xuất khi phim vẫn đang “cháy vé” tại các cụm rạp, các suất chiếu còn kéo dài đến hết tháng 2.
Đợi mùa phim mới
“Cuộc chiến rạp chiếu” đã khiến một số phim dự kiến ra rạp trong dịp Tết phải hoãn lại. Các phim này cùng một số phim đa dạng thể loại, được đầu tư lớn chuẩn bị ra mắt sẽ “đổ bộ màn ảnh rộng” trong thời gian tới. Thạch Sanh 3D – từng được dự đoán là “đối thủ cạnh tranh” với Mỹ nhân kế – không chen chân vào rạp Tết nên nhà sản xuất Golden Eyes Movies dời ngày ra mắt đến tháng 4. Bộ phim cổ tích được đầu tư công phu này hứa hẹn cũng sẽ lập thêm kỳ tích. Mới đây, đoàn phim Lửa Phật cũng vừa tung đoạn phim ngắn sống động, kịch tính trên YouTube, thu hút hơn 31.000 lượt truy cập và nhận được nhiều lời khen của cộng đồng mạng.
Sau loạt phim hài ăn khách, đạo diễn thành công từ phim Dòng máu anh hùng Charlie Nguyễn cũng sẽ trở lại với bộ phim hành động Bụi đời Chợ Lớn (dự kiến ra rạp vào ngày 19-4). Hãng phim Xanh của diễn viên Hồng Ánh cũng có phim hành động: Đường đua. Vợ chồng Trần Bảo Sơn – Trương Ngọc Ánh đang tập trung cho dự án phim đầu tư 25 tỉ đồng Con đường vô tận. Đạo diễn phim Mùa len trâu Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng đang “âm thầm” với dự án phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Nước như nước mắt…
Điều đáng trân trọng là công chúng điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ quay lưng với phim Việt. Phim nào ra rạp cũng trong kỳ vọng chờ đợi của khán giả. Khán giả cũng không quá khắt khe, những nỗ lực của các nhà làm phim luôn được ghi nhận. Thật ra, ở thời điểm này, một bộ phim được nhiều lời khen không hẳn vì phim quá xuất sắc, ấn tượng vượt trội mà đôi khi chỉ đơn thuần là phim làm sạch sẽ, chỉn chu ở mức “xem được”. Một nhà làm phim cho rằng: “Nếu cứ bám vào khai thác tiếng cười và đổ lỗi cho “thị hiếu” khán giả là kiểu lý giải ấu trĩ của tư duy hời hợt, thiếu bản lĩnh, lười sáng tạo và ngại đầu tư của các nhà làm phim” .
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.