Lũ vượt mức lịch sử năm 1985 và đang diễn biến phức tạp

Hiện nay tình hình mưa lũ rất nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn hồ đập và tính mạng người dân. Mưa lớn liên tiếp khiến nhiều địa phương các tỉnh miền bắc và miền trung ngập trong nước, giao thông chia cắt, nhiều vùng bị cô lập, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Con số chưa chính thức, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 50 người chết và mất tích do mưa lũ.

1

Lũ đổ về thị trấn Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay, 12-10, mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đang lên chậm, trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang duy trì ở mức đỉnh, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh.

Trong 6 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ đạt đỉnh ở mức 5,60m (trên BĐ3: 1,60m, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1985: 0,36m). Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức 5,30m (trên BĐ3: 1,30m). Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức 4,5m (trên BĐ3: 0,5m). Ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Ninh Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

* Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống mức 31,60m (dưới BĐ3: 0,40m); tại Phú Thọ ở mức 18,20m (mức BĐ2). Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái xuống mức 30,60m (dưới BĐ2: 0,40m); tại Phú Thọ xuống mức 17,50m (mức BĐ1). Ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận TP Yên Bái, huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

* Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ đạt đỉnh ở mức 9,5m (mức BĐ1). Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống mức 8,8m (dưới BĐ1: 0,70m). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

* Trong 6 giờ tới, lũ trên sông Bưởi và hạ lưu sông Mã sẽ đạt đỉnh. Mực nước đỉnh lũ trên các sông như sau:

– Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 13,4m, trên BĐ3 1,4m;

– Sông Mã tại Giàng ở mức 7,5m, trên BĐ3 1,0m (tương đương lũ lịch sử năm 1980).

Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Bưởi, sông Chu, sông Mã xuống chậm. Mực nước trên các sông như sau:

– Sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 12,8m, trên BĐ3 0,8m;

– Sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 11,0m, ở mức BĐ3; tại Giàng xuống mức 7,1m, trên BĐ3 0,6m;

– Sông Chu tại Xuân Khánh xuống mức 10,8m, trên BĐ2 0,4m.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân. Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

* Trong 12 giờ tới, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục lên; sông La và hạ lưu sông Ngàn Phố tiếp tục xuống. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,3m, dưới BĐ2 0,6m; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt ở mức 8,0m, trên BĐ1 0,5m; sông La tại Linh Cảm ở mức 4,0m, dưới BĐ1 0,5m.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn sẽ đạt đỉnh ở mức 6,5m, dưới BĐ2 0,4m; sau xuống chậm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt ở các huyện: Nghệ An: huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp; Hà Tĩnh: huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ. Tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

* Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh ở phía bắc vẫn đang di chuyển về phía nước ta, ngày hôm nay, 12-10 không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía bắc.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông sẽ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Biển động.

Do ảnh hưởng của gió đông trên cao hoạt động mạnh nên ngày và đêm hôm qua (tính đến 1 giờ sáng ngày 12-10) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Chi Nê (Hòa Bình) 156mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 143mm, Yên Định (Thanh Hóa) 71mm,….

Dự báo, ngày hôm nay ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa; khu vực Hòa Bình-Sơn La, vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình sáng nay có mưa to, có nơi mưa rất to; sau mưa giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa, hệ thống đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 11-10, đã ra công điện khẩn yêu cầu: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ, bằng mọi biện phápthông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời dân tại các khu vực thấp trũng, bị ngập lũ, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa. Tổ chức tuần tra, canh gác phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai khác, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu, tích cực triển khai các phương án ứng phó, hộ đê để bảo đảm an toàn công trình,nhất là khi xuất hiện lũ vượt mức thiết kế.

Tổ chức cập nhật theo giờ mực nước lũ tại các trạm thủy văn trên sông Mã, sông Chu để kịp thời triển khai việc điều chỉnh vận hành hồ chứa Cửa Đạt giảm lũ cho hạ du. Báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương theophòng chống thiên tai theo số máy 0243. 7335694; 0243.7335697.

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để kịp thời triển khai phương án bảo đảm giao thông nhanh nhất.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa, mưa lũ lớn, đặc biệt khả năng xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã (tại trạm Giàng); phối hợp các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó,giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lũ, nhất là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa, trong đó đặc biệt là các vị trí đã xảy ra các sự cố do ảnh hưởng của bão số 10, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa đã tích đầy nước; sẵn sàng triển khai việctiêu thoát nước,chống ngập úng.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường lực lượng, phương tiện thường trực, phối hợp với các địaphương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sự cố về hồ chứa, đê điều, các khu vực bị lũ chia cắt theo quy định; sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo Báo Nhân Dân