Làng nghề Sơn Đồng (Hà Nội): Lưu giữ tinh hoa Việt

Làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã tồn tại, phát triển hơn một nghìn năm tuổi. Nghề tạc tượng và làm đồ thờ bằng gỗ ở đây nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, là một trong những tinh hoa của xứ Đoài. Bằng sự tài hoa, cái tâm với nghề, các nghệ nhân Sơn Đồng đã chế tác ra những sản phẩm điêu khắc tinh tế, độc đáo. Nhiều sản phẩm của làng đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, đem lại kinh tế cao và giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghề chế tác gỗ ở đây xuất hiện vào khoảng năm 976
(theo Ngọc phả Thần tích đền Thượng, xã Sơn Đồng, thờ cụ Tổ nghề Đào Trực).

Sơn Đồng hôm nay là một công xưởng lớn với những sản phẩm điêu khắc, những âm thanh
của tiếng đục, tiếng chạm, tiếng máy… rộn rã vang lên khắp đường làng, ngõ xóm.

Làng hiện có khoảng hơn 300 hộ làm nghề gỗ với trên 4.000 thợ lành nghề. Ngành nghề này đang đem lại nguồn lợi cho địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập từ 1,5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng với các loại tượng Phật,
tượng Đức Thánh, nhân vật anh hùng…

Các sản phẩm sơn son, thếp vàng, thếp bạc được chế tác một cách công phu, tỉ mỉ.

Theo ông Nguyễn Hữu Bội, một thợ lành nghề Sơn Đồng, để chế tác đồ thờ và tượng thờ phải tuân thủ tính chất của tôn giáo. Bức tượng phải khắc họa được sắc thái của từng đấng bậc. Điều này đòi hỏi sự tài hoa của người nghệ nhân để tạo nên được cái thần cho pho tượng”.

Nét tinh tế trong nghệ thuật điêu khắc của người thợ Sơn Đồng.

Ngày nay, các doanh nghiệp ở Sơn Đồng đã ứng dụng nhiều phương tiện hiện đại, nhằm chuyên môn hóa, chuyên sâu từng công đoạn. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi những nét tinh hoa của dòng sản phẩm thủ công truyền thống.

Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Sơn Đồng là một trong số các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô được chọn tổ chức lễ rước Tổ nghề để vinh danh làng nghề tại Hà Nội.

Nguồn ĐCSVN