Khúc vĩ thanh ở ngã ba Đồng Lộc

       Ngày 24.7, tại khu tưởng niệm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã diễn ra lễ dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, bộ đội, dân công hỏa tuyến, công nhân đảm bảo giao thông, thanh niên xung phong, nhân ngày giỗ lần thứ 44 của 10 nữ anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc, nhân ngày truyền thống TNXP, và 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

                      
                      Khu mộ 10 nữ TNXP luôn đầy hoa tưởng niệm. Ảnh: H.M

Theo dòng hồi tưởng…

Đoàn phụ nữ quận Long Biên (Hà Nội) đã đi cả đêm để kịp tới khu di tích Ngã ba Đồng Lộc lúc 4 giờ sáng 24.7. Bà Nguyễn Thị Nguyên nói: “Hẹn nhau bao lần, nay tôi mới đến được nơi đây, được nhìn những kỷ vật, được nghe những câu chuyện cảm động của những người hy sinh tuổi thanh xuân vì tổ quốc, trong đó có 10 chị TNXP, đoàn chúng tôi không kìm được nước mắt”. Đoàn phụ nữ quận Long Biên chỉ là một trong số hàng trăm đoàn khách, chưa kể nhiều cá nhân từ mọi miền tổ quốc đến với ngã ba Đồng Lộc những ngày này.

Năm nào cũng vậy, vào dịp giỗ các nữ TNXP, Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đều bố trí cán bộ thăm hỏi, chuẩn bị quà, đón thân nhân các liệt sĩ và mời các cựu chiến binh đã từng chiến đấu năm xưa đến dự lễ. Năm nay, lễ giỗ 10 nữ anh hùng TNXP được tổ chức theo nghi lễ quốc gia - trang nghiêm và xúc động. Sau lễ dâng hương tại đài tưởng niệm, lễ giỗ tại khu mộ 10 chị và lễ khánh thành cụm tượng đài 10 nữ anh hùng TNXP do Bộ GDĐT công đức, tại khu nhà mới của BQL khu di tích, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã động viên, thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân của liệt sĩ. Bà Hoàng Thị Bình - em cùng mẹ khác cha với liệt sĩ Trần Thị Hường - kể về chị mình: “Dạo đó, mỗi lần về thăm nhà, chị dạy tôi và bọn trẻ hàng xóm nhiều bài hát hùng tráng lắm, chúng tôi còn nhỏ quá, chưa hiểu nhiều, nhưng thích những bài hát sôi động đó. Chị đi hơn 1 tháng thì gia đình nhận tin chị hy sinh”. Cùng dòng hồi tưởng, bà Nguyễn Thị Sanh - em ruột liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân - nhớ lại: “Bố mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em sống với mẹ. Chị khi bé phải đi ở thuê. Lớn lên đi thanh niên xung phong. Lần nào về, chị cũng dặn tôi phải chăm sóc mẹ thật tốt vì chị không có điều kiện thăm nom”. Nhớ về giây phút cuối cùng oanh liệt của các chị, bà Doãn Thị Loan - cựu TNXP thuộc tiểu đội công binh, Đại đội 552, Trung đoàn 55 - nghẹn ngào: “Khi đó là buổi chiều 24.7, tôi ở trên đài quan sát núi Mòi, trước đó còn thấy các chị sửa đường, cắm biển báo và san hố bom. Một loạt bom bất ngờ, các chị không còn nữa…”.

Ngân tiếng chuông tỉnh thức

Tri ân các nữ anh hùng TNXP và những người hy sinh bảo vệ mạch máu giao thông nối hậu phương và tiền tuyến một thời trận mạc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, Báo Lao Động, Báo Đầu Tư, LĐLĐ Hà Tĩnh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh… đã mở cuộc vận động xây dựng đền thờ và tháp chuông Đồng Lộc. Cuộc vận động từ năm 2007 - nhân 60 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ và công trình tháp chuông được hoàn thành đầu năm 2011 - như lời tri ân trước những hy sinh mất mất của các thế hệ TNXP.

Chính ngọ, đoàn chúng tôi đứng ở tầng thứ bảy của tháp chuông thả mắt nhìn khắp bốn phương, mười hướng mới càng thấy vùng đất Đồng Lộc đẹp đến diệu kỳ. Thật cảm động bởi một cụ già tuổi ngoài 80 cũng leo hết ngần ấy tầng của tháp và cùng chúng tôi thỉnh 10 tiếng chuông âm vang cả vùng đất trời… Tiếng chuông ngân như sự thức tỉnh những người đang sống, làm việc hôm nay. Tiếng chuông ngân như nén nhang thơm tỏa ngát trong không gian làm ấm hồn linh liệt sĩ, hồn thiêng sông núi…

Anh Nguyễn Xuân Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh - cho biết: “Tuổi trẻ Hà Tĩnh vinh dự được Đảng, Nhà nước và T.Ư Đoàn giao nhiệm vụ xây dựng và quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Đây là nơi tưởng nhớ tới các anh hùng và giáo dục truyền thống của các thế hệ thanh niên”. Đồng chí Hà Văn Thạch - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh – đồng Trưởng ban vận động XD đền thờ - tháp chuông nói: Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bằng nhiều hình thức, và xúc tiến xây dựng công trình đền thờ, góp phần sớm hoàn chỉnh khu di tích văn hóa tâm linh này.