Khai mạc phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 11-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc phiên họp thứ 15. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

1

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH năm 2017. Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018; phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018; báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của dự án hầm đường bộ Đèo Cả; việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; dự án đường cao tốc bắc – nam phía đông…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, QH khóa XIV của Ban Dân nguyện. Theo báo cáo, đã có 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ ba, QH khóa XIV.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam cho thấy, đã tổng hợp hơn 2.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Nhìn chung, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của QH; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài. Đến nay, tất cả các cơ quan, bộ, ngành liên quan đã trả lời. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, một số kiến nghị của cử tri vẫn chưa được giải quyết triệt để, các cơ quan tiếp nhận cũng như cơ quan giải quyết cần có trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề này. Đáng chú ý, đối với 570 kiến nghị vẫn chưa được giải quyết, cần xem xét và giải quyết khẩn trương, đề ra được lộ trình cụ thể.

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp thứ tư sẽ khai mạc vào ngày 23-10 và bế mạc vào ngày 25-11. Như vậy, thời gian tiến hành kỳ họp là 25,5 ngày làm việc. Dự kiến các nội dung được truyền hình, phát thanh trực tiếp tại kỳ họp này nhiều hơn so các kỳ họp trước. Trong đó, có hai nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại hội trường: Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, chương trình kỳ họp được sắp xếp hợp lý, phù hợp nội quy kỳ họp; tuy nhiên tiến độ chuẩn bị nhiều nội dung trình QH còn chậm. Do đó, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu QH trước khi khai mạc kỳ họp.

Theo Báo Nhân Dân