Khai mạc Lễ hội dừa lần thứ IV năm 2015

Tối 7-4, tỉnh Bến Tre đã khai mạc Lễ hội dừa lần thứ IV năm 2015. Đến dự có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng cùng đông đảo du khách gần xa…

1

Trong khuôn khổ lễ hội, từ ngày 7 đến 13-4, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Hội thảo liên kết hợp tác phát triển ngành dừa bền vững, hội thảo du lịch có trách nhiệm – mối quan hệ và lợi ích; ngày hội quê dừa, không gian dừa, triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại; liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ; lễ tôn vinh người trồng dừa, tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp; thi đấu xảo các sản phẩm dừa… Có 223 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia triển lãm và hội chợ với 624 gian hàng; 12 đội của 8 doanh nghiệp tham gia hội thi Bàn tay vàng; 102 gian hàng tham gia Liên hoan ẩm thực Nam bộ; 78 vận động viên của 9 đơn vị tham gia đua thuyền; có 11 doanh nghiệp cùng 15 hộ gia đình được tôn vinh; 5 giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật ngành dừa, 8 giải thưởng Sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa…

Đặc biệt, lễ hội lần này là hoạt động mang tính cộng đồng, diễn ra khắp 164 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với nội dung phong phú, đặc biệt gắn liền với cuộc sống lao động của người dân, tạo thành đợt sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích trong lễ hội với mong muốn tiếp tục bảo tồn, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa bình dị nhưng độc đáo của người dân xứ dừa cùng với những hoạt động lao động sản xuất gắn với cây dừa trong đời sống cộng đồng.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh: Cây dừa đã xuất hiện từ rất sớm và có nguồn gốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ bao đời nay, cây dừa được con người yêu chuộng, gắn bó nhờ tính đa dụng của nó. Với đặc điểm đó, cây dừa được nhiều quốc gia coi là “Cây của sự sống”. Đối với Bến Tre, cây dừa không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là văn hóa, là tâm hồn, là cốt cách của người nơi đây từ xưa đến nay.

Phát biểu chỉ đạo lễ hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống yêu nước của dân tộc, anh dũng kiên cường. Sau ngày đất nước thống nhất, từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, quân dân Bến Tre đã đoàn kết gắn bó khắc phục khó khăn, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Cây dừa được coi là biểu tượng của sự thân thương, gần gũi, gắn bó, bình dị, hào hiệp chung thủy của con người Bến Tre và Nam bộ nói chung”. Tuy nhiên, cây dừa thời gian qua chưa được phát huy tối đa vị thế. Người dân trồng dừa chưa thật sự giàu lên. Sản phẩm từ dừa nhiều nhưng giá trị kinh tế chưa cao… Lễ hội dừa là hoạt động thiết thực, thúc đẩy ngành dừa phát triển, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, thời gian tới, các địa phương trồng dừa cần phải quy hoạch phát triển diện tích trồng dừa và ngành sản xuất các sản phẩm từ dừa phù hợp, có giá trị kinh tế cao, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là mỹ nghệ dừa gắn với phát triển du lịch. Hiệp hội Dừa tập trung hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ, đề xuất chính sách, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện cho người trồng dừa và ngành dừa phát triển bền vững…

Nguồn SGGP