Huyện Cái Bè quản lý chặt chẽ cây sầu riêng ở vùng ngập lũ

(THTG) Từ khi nước ta ký thành công nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đến nay khoảng 2 năm, song sức nóng về giá cả vẫn chưa hạ nhiệt, vẫn đang là loại trái cây có giá trị kinh tế cao nhất trong lĩnh vực cây ăn trái. Từ đó, diện tích trồng sầu riêng tăng đột biến, nhất là vùng ngập lũ phía Bắc huyện Cái Bè vốn là vùng lúa chuyên canh cũng đang dần dần thay bằng sầu riêng.

Toàn huyện hiện có 7.775 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 4.800 ha đang cho trái, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Hiện diện tích loại trái cây đặc sản này vẫn đang tiếp tục tăng và tăng nhanh nhất là ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1 do ở thời điểm hiện tại lợi nhuận thu được từ cây sầu riêng cao hơn gấp 10 lần so với cây lúa và cao hơn gấp 5 lần so với các loại cây ăn trái khác. Sức hút chính của cây sầu riêng là giá bán luôn đứng ở mức cao và giá càng đẩy lên cao khi được nước bạn Trung Quốc cấp phép nhập khẩu bằng đường chính ngạch.

vlcsnap-2023-07-18-09h30m43s001.png

vlcsnap-2023-07-18-09h31m48s715.png

Nông dân huyện Cái Bè chăm sóc sầu riêng. Ảnh: Trường Giang

Trong khi đó, sầu riêng là cây trồng lâu năm và từ lúc trồng đến lúc thu hoạch phải hơn 5 năm nên vấn đề thổ nhưỡng, hệ thống hạ tầng thủy lợi tương thích rất quan trọng. Trong khi đó, đặc điểm của vùng lũ thường có đê bao khép kín nên vấn đề thoát nước và tiêu úng cho các vườn sầu riêng khó khăn hơn so với phía Nam Quốc lộ 1 dọc theo sông Tiền. Đặc biệt là khi diện tích tăng thì kéo theo sản lượng tăng, vì vậy vấn đề tiêu thụ sầu riêng trong thời gian tới được lãnh đạo huyện Cái Bè đặc biệt quan tâm, nhằm giảm đến mức thấp nhất hệ lụy “rộ mùa dội chợ” như các loại trái cây khác.

Hiện giá bán sầu riêng đang đứng ở mức cao, không dưới 70.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, nhà vườn thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/vụ, là động lực tích cực để bà con đầu tư công sức chăm sóc, gia tăng thêm năng suất lên hết mức có thể. Mặc dù là ở vùng lũ, song ngành nông nghiệp huyện Cái Bè khuyến cáo bà con cảnh giác cao với xâm nhập mặn mùa mùa khô 2023-2024 với dự báo xấp xỉ mùa khô 2019-2023 do ảnh hưởng của El Nino. Ngay bây giờ bà con cần kiểm tra bờ bao xung quanh vườn, nâng cấp đê bao chống lũ, đồng thời chuẩn bị các cống ngăn mặn, để vừa phòng chống lũ lụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 và sau đó là ngăn chặn xâm nhập mặn kể từ tháng 12 đến qua năm sau./

Kim Nữ