Hội Nhà báo: Hiến pháp cần có “quyền tiếp cận thông tin”

Theo ý kiến góp ý từ Hội Nhà báo Việt Nam, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung vào điều 26 (Chương II) “quyền được tiếp cận thông tin”. Đồng thời, điều này cũng nên quy định công dân không được lạm dụng các quyền này làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ngày 26/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, đến ngày 15/3/2013, Hội Nhà báo đã nhận được hơn 400 ý kiến trực tiếp góp ý vào các chương, điều, khoản cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp ý cụ thể trong Điều 26, liên quan nội dung quyền công dân tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin…

Theo Hội Nhà báo, có ý kiến cho rằng, cần  bổ sung vào điều này “quyền được tiếp cận thông tin”. Đồng thời, điều này cũng nên quy định công dân không được lạm dụng các quyền này làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về khoản 1, Điều 15 của Chương II, có ý kiến cho rằng cách thể hiện như trong Dự thảo sửa đổi không “mạnh mẽ”, dùng từ “thừa nhận” quyền con người ở đây không phù hợp. Nên chăng, có thể viết lại là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước, xã hội tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật”. Từ “thừa nhận” có vẻ ép buộc, miễn cưỡng chấp nhận.

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Về Điều 20 và Điều 21, về quyền công dân và quyền con người, các ý kiến cho rằng bản Dự thảo sửa đổi đã chú trọng hơn đến quyền con người, đảm bảo cụ thể hóa quan điểm của Nhà nước là tôn trọng, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, có một số ý kiến đóng góp nên bổ sung thêm nội dung quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm với Nhà nước và xã hội (bổ sung ý trách nhiệm vào khoản 1, Điều 20).

Có ý kiến cho rằng không nên để Điều 21 đứng riêng, chỉ để khẳng định một nội dung: “ Mọi người có quyền sống”. Nên chăng, ghép điều này vào Điều 22 để khẳng định chung các quyền của con người. Hơn nữa, ở nước ta vẫn còn áp dụng án tử hình, một khi Hiến pháp quy định “mọi người có quyền sống” thì nên hiểu như thế nào về án tử hình đang còn có hiệu lực.

Tổng hợp các ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các cấp Hội, hội viên- nhà báo về cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển trong năm 2011).

Trên quan điểm đó, đa phần các ý kiến nhất trí với 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cho rằng Dự thảo có tính dự báo và ổn định lâu dài, kết cấu chặt chẽ, khoa học và cụ thể, có bổ sung những điểm nhấn mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bổ sung, sửa đổi, làm rõ quan điểm của Đảng về những vấn đề chính trị cơ bản của thời kỳ quá độ, thể hiện rõ tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.