Gò Công Tây thực hiện đề án “cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng”

(THTG) Thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Tiền Giang, đến năm 2025 toàn vùng ngọt hóa Gò Công chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, gồm vụ thu đông sớm và đông xuân sớm, không sản xuất vụ hè thu, hoặc luân canh lúa – màu.

vlcsnap-2018-05-14-08h48m58s874

vlcsnap-2018-05-14-08h48m37s388

Quang cảnh hội nghị cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Lan

Theo ước tính, từ vụ đông xuân 2017 đến vụ đông xuân 2018, toàn huyện Gò Công Tây đã chuyển đổi gần 2.000 hecta đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác, trong đó chuyển sang trồng cây ăn trái trên 300 hecta. Trong số các loại cây ăn trái, thanh long là cây trồng được lựa chọn nhiều nhất (với 170 hecta), mãng cầu xiêm (trên 60 hecta), còn lại là bưởi da xanh (khoảng 30 hecta) và một số cây ăn trái khác. Hiện tại, mô hình trồng mới cây mãng cầu xiêm, mô hình luân canh cây bắp, trồng mới cây thanh long  trên nền đất lúa kém hiệu quả được nông dân các xã Bình Tân, Long Bình, Thành Công, Bình Phú, Đồng Thạnh, Đồng Sơn, Long Vĩnh…. thực hiện cho hiệu quả kinh tế khá cao.

vlcsnap-2018-05-14-08h48m51s605

Bản đồ kế hoạch chuyển đổi cây trồng đến năm 2025 tại huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Lan

Qua đối chiếu năng suất hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, thì mô hình trồng cây ăn trái trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế từ 3 đến 8 lần, trong đó mô hình trồng bưởi da xanh cho hiệu quả cao gần 9 lần so với trồng lúa, kế đến mô hình trồng thanh long cao gấp 6 lần, mô hình trồng mãng cầu xiêm cao gấp 3 lần. Mục tiêu trong năm 2018 huyện Gò Công Tây dự kiến chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hơn 450 hecta.

Kim Lan