Giai Điệu tự hào số 3:Đẳng cấp và xúc động

Cảm xúc thật sự trào dâng khi cả khán phòng cùng đứng dậy giơ cao những bức ảnh liệt sỹ, ca sỹ Cẩm Vân mắt sũng nước, nhiều khán giả mắt nhòe lệ… đó là hình ảnh đáng nhớ và đầy nhân văn trong chương trình Giai điệu tự hào số 3.

Ảnh minh họa

Sự tiếp nối các thế hệ nghệ sỹ là những điểm sáng của Giai điệu tự hào

Những sự tiếp nối tuyệt vời

Có thể nói, sự tiếp nối giữa các thế hệ được thể hiện rất rõ nét và mang nhiều cảm xúc cho khán giả khi xem chương trình. Tình ca tuổi trẻ là một ca khúc thuộc dạng “nằm lòng” với những thế hệ thanh niên 6x, 7x thế kỷ trước. Những gương mặt nghệ sỹ từng “sống” với ca khúc này như NSƯT Hồng Liên, NSƯT Thúy Hà, NSƯT Hương Giang.

Họ đã lại xuất hiện, lại được hát lên khúc ca của một thời thanh niên sôi nổi. Đặc biệt là đạo diễn Việt Tú đã dựng lại bối cảnh sân khấu như chính các sân khấu biểu diễn ca nhạc của những năm thập niêm 80. NSND Thanh Hoa ngồi trên hàng ghế khách mời đã xúc động chia sẻ, bà rất thích thú khi được sống lại những tháng ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, thời của những ca khúc chính trị như một món ăn tinh thần không thể hiểu cho thanh niên thời đó.

Nếu như NSND Thanh Hoa và các khán giả lớn tuổi như được tìm về một thời tuổi trẻ thì các khán giả trẻ lại thích thú khi thấy những ca sỹ “thần tượng” của thế hệ họ đang sống, mặc quần áo lính và hồn nhiên hát “Bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới, bản tình ca em hát cho anh bên dòng kênh xanh…”. Hình ảnh 3 chàng ca sỹ trẻ Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, Tôn Thất Sơn trên sân khấu hát cùng 3 nghệ sỹ thế hệ trước tạo nên sự giao thoa, như là một sự nhắc nhớ về ký ức, cũng chính là thông điệp về sự tiếp nối, rằng, có thể âm nhạc đã cũ nhưng thông điệp nhân văn của nó thì sẽ có sức sống trường tồn.

Nếu ca sĩ trẻ Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, Tôn Thất Sơn được hát cùng các tiền bối thì Đồng Lan lại một mình đảm đương 1 ca khúc cũng thuộc dạng “nằm lòng” bao nhiêu người yêu nhạc những năm 80 thế kỷ trước – ca khúc Ngày mai anh lên đường. Với bản phối mới mẻ và cách hát vô cùng dễ thương, vừa nũng nịu rất đàn bà, vừa mang đầy tính động viên người yêu lên đường làm nhiệm vụ. Đồng Lan khiến NSND Thanh Hoa phải “ghen tỵ” với sự đáng yêu ấy và bà cũng dành cho cô ca sỹ trẻ nhiều lời khen ngợi.

Ảnh minh họa

Đồng Lan vô cùng dễ thương với Ngày mai anh lên đường

Cũng giống như Đồng Lan, Thần tượng âm nhạc Uyên Linh đã thể hiện rất thành công ca khúc Hoàng hôn màu lá, một bài hát từng gắn với tên tuổi ngôi sao nhạc nhẹ Ngọc Bích một thời. Cũng trong tiết mục này, khán giả đã được nghe lại giọng Ngọc Bích ở phần đầu tiết mục qua bản thu âm từ cách đây mấy chục năm, sau đó Uyên Linh tiếp nối cùng dàn nhạc hiện đại. Cách hát của Uyên Linh đã trở nên tinh tế, tiết chế bớt lửa để bài hát vừa đủ sâu sắc, vừa đủ đam mê, nhiệt huyết nhưng vẫn đầy lãng mạn, bay bổng. Có thế nói, phần trình bày của Uyên Linh và Đồng Lan thực sự rất đáng khen ngợi khi họ hát lại những bài hát từng gắn liền với tên tuổi những nghệ sỹ thuộc thế hệ đi trước.

Cũ nhưng chưa bao giờ hết xúc động

Đó chính là ý kiến của một trong những khách mời tại trường quay khi nghe Cẩm Vân hát Bài ca không quên, Tùng Dương thể hiện Tạm biệt chim én, Vết chân tròn trên cát. Có thể nói, Cẩm Vân là người duy nhất đến thời điểm này, tạo nên một tác phẩm âm nhạc được coi là “tượng đài” trong lòng khán giả khi hát nhạc Phạm Minh Tuấn với Bài ca không quên. Cả khán giả lớn tuổi cũng như những bạn trẻ trong trường quay đã đồng loạt đứng lên và rung rung cảm xúc. Hình ảnh các bà mẹ Việt Nam trong tà áo cánh, quần lụa đen, đội nón cầm đèn dầu chờ chồng, chờ con trong những đêm dài chiến tranh mà vẫn một lòng sắt son, thủy chung tin vào ngày chiến thắng, và đã có biết bao người cha, người chồng, người con, người em… ra đi hiến thân cho Tổ quốc và không bao giờ trở lại, trở thành biểu tượng cho sự Chiến thắng, trở thành bài ca không thể nào quên cho cả dân tộc Việt Nam. Khoảnh khắc ấy được tái hiện vô cùng xúc động trên sân khấu, giọng hát Cẩm Vân đầy cảm xúc đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của khán giả, và Bài ca không quên chính là tiết mục ấn tượng nhất, nhân văn nhất và cũng xuất sắc nhất về âm nhạc trong cả chương trình.

Ảnh minh họa

Bài ca không quên khiến khán giả không thể nào quên

Tùng Dương cũng là người gây xúc động mạnh cho khán giả. Với 2 ca khúc của nhạc sỹ Trần Tiến, anh đã thổi hồn vào đó để mang đến hơi thở mới. Đặc biệt với ca khúc Vết chân tròn trên cát, anh đã hát như “nhập đồng” với tất cả sự trân trọng thế hệ cha anh quên mình vì đất nước. Sự xúc động lên đến đỉnh điểm khi xuất hiện một người lính Cụ Hồ, một thương binh “tàn nhưng không phế”, đó là minh chứng hùng hồn cho những giá trị âm nhạc bất biến, cho dù cuộc sống có thay đổi như thế nào.

Trái với sự ủng hộ của khách mời trẻ tuổi trong Bài ca không quên và một số ca khúc khác, bài hát Một rừng cây một đời người (Trần Long Ẩn) lại không nhận được sự thán phục về mặt âm nhạc (trừ ca từ). Tuy nhiên phải thấy rằng, mỗi thời điểm một khác. Âm nhạc những năm 80 ít chịu ảnh hưởng từ thế giới như hiện tại, vì thế, có thể khúc thức và tuyến giai điệu bị cho là “nhạt và không có giá trị” so với hiện nay, nhưng rõ ràng ở thời điểm đó, nó vẫn là một trong những ca khúc rất hay và trở thành cửa miệng của rất nhiều khán giả. Chúng ta không nên so sánh một ca khúc khi dòng chảy lịch sử đã thay đổi, mà hãy nhìn nó như một món quý giá trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Cũng giống như tâm sự của PGS Nguyễn Thị Minh Thái khi “bác” lại ý kiến của nhạc sỹ Trần Tiến khi ông cho rằng lớp trẻ nên quên đi quá khứ và nhìn về phía trước. Bà khẳng định, “chúng ta chỉ nên khép lại chứ không bao giờ được phép quên”. Quả đúng như vậy. Chúng ta, nhất là lớp trẻ ngày hôm nay không bao giờ được phép quên đi những tháng ngày vất vả, gian khổ của lớp cha anh mình, để thấy quý giá hơn những điều họ đang sống và đang được hưởng. Phải biết giá trị của nó để tận hiến tuổi trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước, đó cũng chính là sự trả ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc cha anh. Sự tiếp nối trong âm nhạc giữa các thế hệ, chính là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ cha anh và thế hệ con cháu để chúng ta luôn biết trân trọng quá khứ, tận hiến cho tương lai. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn của chương trình này.

Nguồn Vnmedia