Gia đình Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề

Theo kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa công bố, gia đình Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Kết quả khảo sát trên 1500 người trong vòng 2 tháng (5,6/2015) cho thấy, gia đình Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề cả nội tại bên trong và hình thái bên ngoài.

Theo kết quả này, số gia đình gặp một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (chiếm 27,5%), ngoại tình (chiếm 16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác.

1

Khuôn mẫu giới mang tính truyền thống như “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “Cha là nóc nhà” vẫn phổ biến trong gia đình Việt Nam (Ảnh: Ngọc Thành)

Trong gia đình, nữ giới cảm nhận về tình trạng ngoại tình nghiêm trọng hơn nam (19,6% nữ so với 10,1% nam). Điều này lý giải vì sao đa phần ngoại tình là ở nam giới. Tỷ lệ nữ có cảm nhận “không bình yên”, “không thỏa mãn” với một số khía cạnh trong đời sống gia đình (chia sẻ tình cảm, quan tâm chăm sóc, sự chung thủy của bạn đời, sự phân công việc nhà) cao hơn nam đáng kể. Bạo lực gia đình cũng là một vấn đề đối với 6,2% nữ giới tham gia khảo sát.

Trong khi đó, khuôn mẫu giới mang tính truyền thống như “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “Cha là nóc nhà” vẫn phổ biến. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình hiện đại. Một mặt dẫn đến định kiến với các gia đình đơn thân (gia đình mẹ đơn thân – Single mom), mặt khác dẫn đến những áp lực đối với nam giới (trách nhiệm tài chính, giáo dục nặng nề). Chính vì thế, xã hội Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng nam phải giới chịu nhiều áp lực hơn nữ giới, vừa phải kiếm tiền nuôi gia đình (54,2%) nhưng đồng thời vẫn chịu trách nhiệm cân bằng giữa công việc và gia đình (37,9%), hay quan hệ với họ hàng (16%). Trong khi đó, ở công sở áp lực công việc với nam giới cũng cao hơn nữ giới.

Kết quả khảo sát của iSEE cũng cho thấy, người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân với người khác giới như kết hôn (27,5%), sinh con (25%) và kéo theo đó là những áp lực trong quan hệ với họ hàng. Sự kỳ thị với những gia đình “phi truyền thống” vẫn rất nặng nề trong tư duy người Việt. Điều này vô hình trung khiến những gia đình song tính, đồng tính, chuyển giới khó có cơ hội tìm kiếm hoặc thể hiện hạnh phúc của mình.

Tuy nhiên, những gia đình phi truyền thống lại có xu hướng ngày càng phổ biến, nhu cầu thể hiện bản thân tỷ lệ thuận với mong muốn kiếm tìm hạnh phúc ở những người đồng tính, chuyển giới./.

Tổ Quốc