Facebook đã thống trị thế giới như thế nào?

Từ một danh mục số hóa dành cho sinh viên đại học, Facebook giờ đây đã trở thành một đế chế truyền thông.

Theo thống kê, hiện có hơn 1,6 tỉ người, tương đương với một nửa lượng người dùng Internet trên toàn thế giới, sử dụng Facebook ít nhất một lần hàng tháng. Con số này chưa tính đến hơn 1 tỷ người thường xuyên dùng WhatsApp và 400 triệu người dùng Instagram – hai ứng dụng hoạt động độc lập nhưng thuộc quyền sở hữu của Mark Zuckerberg và các đồng sự.

1
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tại Hội nghị F8 vừa qua (ảnh: AP)

Những dịch vụ cơ bản miễn phí của Facebook đã được giới thiệu đến 37 quốc gia, cho phép thành viên đăng ký có thể sử dụng miễn phí nhưng có giới hạn các ứng dụng trên điện thoại thông minh – một hành động, theo các chuyên gia, cho phép gã khổng lồ này “kiểm soát” chặt hơn nữa hoạt động trên Internet của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. “Mục tiêu là kết nối thương mại, không phải là kết nối con người,” nhà báo kỳ cựu Om Malik nói, đồng thời cũng đề cập đến một trong những nguyên tắc cơ bản của các công ty mạng xã hội: nếu bạn không phải trả tiền, bạn chính là sản phẩm.

Với lợi nhuận thu được là 5,8 tỷ USD chỉ trong ba tháng cuối của năm 2015, Facebook kiếm tiền từ người sử dụng, không chỉ bởi số lượng thành viên khổng lồ, mà chủ yếu nhờ vào thời gian “lướt nét” của những người này. Một thống kê của ComScore cho biết, chỉ riêng tại Mỹ, những người trong độ tuổi 18 đến 34 dành khoảng 30 giờ mỗi tháng sử dụng các dịch vụ của mạng xã hội và 26 giờ trong số đó là trên Facebook.

Mỗi cú nhấn chuột, mỗi lần like, mỗi câu bình luận… đều được Facebook thu thập để xây dựng một cơ sở dữ liệu đồ sộ về các thành viên. Các nhãn hàng sẽ trả tiền cho Facebook để có được các thông tin về độ tuổi, nơi cư trú, mối quan hệ và sở thích của những đối tượng khách hàng khác nhau. Đây chính là một trong những cách kiếm tiền thành công nhất của Facebook.

Giai đoạn Một, Hai, Ba và Bốn: Chia sẻ

Trên Facebook, “nội dung” chính là những gì giữ chân người sử dụng. Giai đoạn Một trong quá trình “trưởng thành” của Facebook chính là cá nhân – người dùng thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, tình trạng… của mình thông qua các status được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, người dùng cũng nhanh chóng nhận ra rằng, bạn bè trên Facebook dường như không mặn mà lắm với những gì họ muốn nhắn nhủ. Vì thế, Facebook nhanh chóng chuyển sang Giai đoạn Hai: chia sẻ ảnh.

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh đồng nghĩa với việc mỗi người đều sở hữu một chiếc camera nhiều tính năng, dễ sử dụng mọi lúc mọi nơi; đi kèm với quan niệm một bức ảnh có thể thay thể “vạn lời muốn nói”. Khi Facebook nhận ra rằng, người dùng muốn đề cao tính riêng tư trong các cuộc hội thoại, công ty giới thiệu Messenger – một ứng dụng tin nhắn hoạt động độc lập và nhận được thành công rực rỡ. Khi ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram ngày càng trở nên thông dụng, Facebook mua lại và quyết định để tiện ích này tồn tại song song, thay vì tích hợp hoàn toàn với Facebook.

1
Ứng dụng Messenger nhận được nhiều thành công của Facebook (ảnh: FB)

Và giờ đây chúng ta đang ở vào Giai đoạn Ba: chia sẻ bài báo, video và hình ảnh do các cơ quan thông tấn cung cấp và được hiển thị tự động trên trang Facebook của mỗi người sử dụng. Đối với các cơ quan báo chí, họ không còn phải tìm cách lôi kéo người đọc đến trang web của mình, mà chỉ cần cung cấp tin bài trên new feedcủa Facebook. Chiến lược này tỏ ra cực kỳ thành công trong việc tăng lượng người truy cập vào trang điện tử của các báo đài – khoảng ¼ số lượng truy cập xuất phát từ mạng xã hội.

1
Tiện ích Instant articles cho phép đọc báo nhanh (ảnh: AP)

“Facebook hiện đang có sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến tất cả các nhãn hiệu mới,” một chuyên gia về truyền thông chia sẻ. “Hầu hết sự tăng trưởng của các thương hiệu mới trong vòng hai năm trở lại đây đều nhờ vào Facebook và Google”. Sức mạnh của Facebook lớn đến nỗi nó bắt đầu tự động điều phối các chiến lược của những công ty truyền thông. Mỗi khi Facebook công bố một tiện ích mới, các công ty này lại cuống cuồng thay đổi các chính sách của mình để không trở thành kẻ bị vất bỏ trong thế giới do Facebook tạo ra.

1
Facebook cho phép người sử dụng xem video trực tiếp mà không phải
thoát khỏi ứng dụng (ảnh: Internet)

Gã khổng lồ cũng dần dần loại đi những nguyên nhân khiến người dùng rời bỏ trang feed của mình. Sau tiện ích instant articles cho phép người sử dụng smartphone có thể đọc nhanh toàn bộ nội dung bài báo mà không phải ra khỏi ứng dụng mạng xã hội, giờ đây, bạn có thể đặt taxi, xem video, gọi điện thoại, trả tiền… ngay trên Facebook. Ứng dụng xem video trực tiếp tại Facebook, được giới thiệu bằng một đoạn video hướng dẫn làm nổ tung dưa hấu bằng dây cao su (hiện có lượng người xem lên tới 10 triệu người), có thể coi như sự mở đầu cho Giai đoạn Bốn: chia sẻ và xem video trực tiếp – của gã khổng lồ này.

Giai đoạn Năm: trí thông minh nhân tạo

Trí thông minh nhân tạo và thực tế ảo được dự đoán sẽ đóng vai trò quyết định trong Giai đoạn Năm của Facebook. Cả hai lĩnh vực này đều hoàn toàn phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty này.

“Tôi nghĩ máy vi tính đang ngày càng tiến gần hơn với cách chúng ta cảm nhận thế giới thông qua các ngón tay, hay miệng mà không phải là bàn phím,” Chris Cox, giám đốc phát triển sản phẩm của Facebook nói. Facebook hiện đã ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tự động hóa sắp xếp các cập nhật mới newfeed, định dạng người dùng trong các bức ảnh và dịch các bài đăng. Công nghệ tiên tiến để nhận dạng các đồ vật – chi tiết đến mức có thể phân biệt các giống chó trong ảnh và video cũng đang được phát triển tại Facebook.

1
Thiết bị Oculus Riff VR của Facebook (ảnh: Internet)

Mục tiêu lớn nhất Facebook đưa ra, đó là phát triển một thế giới mạng xã hội có thể hiểu được các sắc thái trong phản ứng của con người. Tại Hội nghị F8 mới đây, Facebook đã giới thiệu dụng cụ Oculus Rift VR, cho phép người sử dụng giao tiếp với nhau trong không gian ảo thông qua một số cử động tay chân và thay đổi nét mặt cơ bản. Yaser Shikh, người đang dẫn đầu nhóm phát triển Oculus Rift đã sử dụng một căn phòng lắp đầy camera để ghi lại hàng nghìn cử động và nét mặt của con người khi tương tác với nhau. Nói một cách đơn giản hơn, Facebook đang tìm cách “đọc” được cảm xúc và dự định của con người. Còn theo Zuckerberg: “mục tiêu của chúng tôi với trí tuệ nhân tạo là tạo ra một hệ thống nhận thức hoàn thiện hơn cả con người trong các lĩnh vực nghe, nhìn, ngôn ngữ vv.”

Kiếm tiền vẫn là trên hết

Thời điểm hiện tại, khả năng kiếm tiền của Facebook được đánh giá là vô cùng khả quan với hàng loạt các ứng dụng và tiện ích có lượng người sử dụng lớn nhưng vẫn đang được cung cấp miễn phí cho khách hàng. “Họ vẫn chưa khởi động cơ chế thu lợi nhuận từ WhatsApp và Mesenger – hai ứng dụng có thể kiếm được bộn tiền mà không phải làm gì nhiều,” Jan Dawson, một chuyên gia tại Jackdaw Research nói.

Cũng trong hội nghị F8, Messenger bots – các công cụ được sử dụng để trả lời tự động trên ứng dụng Messenger. Các bots có khả năng tự động xử lý các yêu cầu cơ bản như nhận và kiểm tra đơn hàng, làm thủ tục lên máy bay, hỗ trợ dịch vụ vv. Sự xuất hiện của bots trong Messenger giúp Facebook có thể “nghe lén” được các cuộc hội thoại giữa người sử dụng với nhau, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến các nhãn hàng, sở thích vv – giúp ích nhiều hơn nữa cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng và đem đến cơ hội thu lợi nhuận khổng lồ cho công ty này.

1
Mark Zuckerberg giới thiệu bots tại hội nghị F8 (ảnh: AP)

Trong suốt quá trình phát triền của Facebook cho đến nay, dường như vấn đề lớn nhất gã khổng lồ phải đối mặt chính là việc nó không dự đoán được việc chuyển đổi từ máy tính bàn sang điện thoại của người sử dụng lại diễn ra với tốc độ  nhanh đến kinh ngạc như vậy. Sau một vài năm có phần chững lại, quyết định thâu tóm Instagram với mức giá 1 tỷ USD và tập trung vào kiếm tiền từ người sử dụng các ứng dụng trên smartphone, Facebook ngày càng trở nên táo bạo hơn trong các quyết định mua-bán trên thị trường công nghệ. Thật khó có thể tưởng tượng một đối thủ nào đó có thể ngáng chân và thay thế Facebook lúc này khi bất kỳ mối đe dọa nào cũng sẽ bị gã khổng lồ thâu tóm, như Instagram và WhatsApp.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ. Hiện tại, cái gai không vừa mắt Mark Zuckerberg nhất, có lẽ chính là Snapchat – một dịch vụ tin nhắn hiện đang có tới hơn 100 triệu người sử dụng mỗi ngày. Năm 2013, Facebook từng đề nghị mua lại Snapchat với mức giá 3 tỷ USD nhưng vẫn bị từ chối. Không chịu thua, kể từ đó cho đến nay, Facebook đã liên tục thử nghiệm áp dụng một số chức năng tiêu biểu tương tự như của Snapchap, bao gồm tin nhắn tự xóa, các công cụ chỉnh sửa ảnh, khả năng nhận dạng khuôn mặt vv.

1
Cuộc chiến giữa Facebook và Snapchat chưa có hồi kết (ảnh: Internet)

Các nhà phân tích cho rằng, Snapchat là một đối thủ nhưng chưa phải là mối đe dọa cho Facebook. “Nó có thể ảnh hưởng tới Messenger và WhatsApp, nhưng lại không thực sự đáng ngại cho một hệ thống như Facebook”, Paul Adams, cựu nhân viên của Facebook nhận xét.

Báo Tổ Quốc