Đức gặp khó do dư thừa điện năng đến từ gió và Mặt trời

Tại một số thời điểm trong tháng 5 năm nay, nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp gần 90% lượng điện năng trên mạng lưới điện của Đức. Nhưng điều này không có nghĩa nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đang tiến gần đến sử dụng hoàn toàn bằng điện năng không khí thải carbon. Trong thực tế, Đức đang cho phần còn lại thế giới một bài học rằng sẽ là sai lầm khi bạn cố gắng giảm khí thải carbon bằng cách chỉ lắp đặt thật nhiều pin mặt trời và turbin gió.


Đức đã phải cố gắng kiểm soát sự dư thừa năng lượng tái tạo.

Sau nhiều năm suy giảm thì năm 2015, lượng khí thải carbon của Đức đã tăng nhẹ mà nguyên nhân đến từ việc nước này đã sản xuất ra một lượng điện năng nhiều hơn cần thiết. Điều này xảy ra ngay cả khi năng lượng tái tạo có thể cung cấp đủ gần như tất cả lượng điện năng trên lưới điện thì sự không ổn định của nguồn điện này khiến Đức vẫn phải duy trì các nhà máy điện khác hoạt động. Và ở Đức, khi đang trong quá trình giảm bớt nhà máy điện hạt nhân thì các nhà máy điện chính khác vẫn chạy bằng than.

Giờ đây, chính phủ Đức đã phải tái khởi động lại chiến lược năng lượng của mình với tên gọi Energiewende. Chương trình này được bắt đầu từ năm 2010 với hy vọng tăng mạnh tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo và giảm đi 40% lượng khí thải carbon vào năm 2020 (so với năm 1990). Những gì xảy ra tiếp theo không chỉ rất quan trọng với Đức mà còn đối với cả các nước khác khi cố gắng tìm ra cách tốt nhất khi đưa thêm năng lượng gió và năng lượng mặt trời vào lưới điện, đặc biệt là khi họ muốn làm điều này mà không phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

Một số khía cạnh thì chương trình Energiewende đã thành công: nguồn năng lượng tái tạo đã đạt gầm một phần ba lượng tiêu thụ điện của Đức trong năm 2015. Nước này hiện là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và lượng khí thải carbon trong năm 2014 đã giảm 27% so với năm 1990.

Tuy nhiên, một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia giúp việc cho Bộ trưởng Bộ kinh tế và năng lượng Đức cho rằng mục tiêu 40% dường như sẽ không đạt được vào năm 2020 và cuộc cách mạng năng lượng đã có vấn đề từ ngay bên trong nó. Nguyên nhân đến từ các nhà máy nhiệt điện đã không dễ dàng trong giảm công suất phát để thích ứng với sự dư thừa trên lưới điện khiến những ngày nắng to hay gió lớn thì có quá nhiều năng lượng dư thừa và giá điện giảm về âm – hay nói một cách khác, các nhà máy điện đã phải trả tiền cho người tiêu dùng để tiêu thụ hộ điện năng. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở bang Texas và California (Mỹ) khi nhà máy điện năng lượng mặt trời đạt công suất cao nhất.

Với hy vọng giải quyết các vấn đề này, Quốc hội Đức đang muốn sớm dừng chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với năng lượng tái tạo được biết đến với từ “feed-in tariff” (một thuật ngữ được dùng phổ biến ở nhiều nước khi nói về chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo). Thay vì trợ giá cho bất kỳ lượng điện nào được làm ra từ gió và năng lượng mặt trời, chính phủ sẽ thiết lập một hệ thống đấu giá. Sản xuất điện sẽ được đấu giá cho xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đến một công suất nhất định do chính phủ đưa ra và giá trả cho lượng điện này sẽ do thị trường quyết định hơn là do chính phủ áp đặt.

Hệ thống đấu giá sẽ được thiết kế để giảm tỷ lệ tăng của năng lượng tái tạo và giúp Đức giảm đi tình trọng quá thừa năng lượng. Điều này dường như là một cách dễ dàng để giải quyết vấn đề quá thừa nguồn cung, đặc biệt là một số nhà máy nhiệt điện. Nhưng các nhà máy nhiệt điện không chỉ được sử dụng cho dự phòng khi gió và nắng không đủ nguồn cung mà nó còn sinh lợi và khó tắt đi bằng ý chí chính trị. Nguyên nhân đến từ luật của Đức đặt mức ưu tiên cao nhất cho năng lượng tái tạo khi kết nối với lưới điện nên kể cả lượng điện thừa mà nước này xuất khẩu cũng chủ yếu đến từ nhiệt điện. Do có lợi nên vào mùa thu năm 2015, một nhà máy nhiệt điện công suất 1.600 MW đã được khởi động sau tám năm trì hoãn cho dù gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các chính trị gia, các tổ chức bảo vệ môi trường và những người muốn chấm dứt các nhà máy nhiệt điện.

Tăng giá vào khí thải carbon cũng có thể giúp Đức đóng cửa các nhà máy nhiệt điện. Nhưng hệ thống thương mại lượng khí thải ở châu Âu hiện đang rất phức tạp. Giá cho hạn mức khí thải là rất thấp nên đã không khuyến khích các công ty sản xuất điện đóng cửa các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch.

Một cách hữu ích khác là có một hệ thống lưới điện quy mô lớn trên toàn châu Âu để nguồn điện năng lượng tái tạo dể dàng vận chuyển xuyên biên giới, làm giảm sự cần thiết luôn phải chạy các nhà máy nhiệt điện để dự phòng cho điện năng đến từ gió và năng lượng mặt trời. Hệ thống lưới điện này hiện đang được xây dựng nhưng rất tốn kém, khoảng từ 112 tỷ USD đến 448 tỷ USD.

Nguồn Báo Nhân Dân