“Đốt tiền” vào cuộc chơi OTT truyền hình, cuộc chiến không sòng phẳng?

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp OTT trong nước và OTT nước ngoài rất khó khăn và không sòng phẳng, nhưng các ông lớn truyền hình lẫn các doanh nghiệp vẫn tham gia cung cấp các sản phẩm OTT truyền hình.

 

“Đốt tiền” vào cuộc chơi OTT truyền hình, cuộc chiến không sòng phẳng?

Đây là đánh giá của các diễn giả trong phiên thảo luận đầu tiên “Hội thảo: OTT – Tương lai của truyền hình” do Trung tâm tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều ngày 07/06/2018, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim và Công nghệ truyền hình Việt Nam Telefilm 2018.

“Đốt tiền” vào cuộc chơi OTT truyền hình

Theo thống kê của Kantar Media, 84% người Việt Nam ở 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ sử dụng internet hàng ngày, trong đó 80% thời gian sử dụng internet là qua điện thoại.

  Thói quen sử dụng Internet của người Việt Nam. Nguồn: Kantar Media
Theo Bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Kantar Media, sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như smartphone, smart TV cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet băng thông rộng cũng như kết nối 3G, 4G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của người tiêu dùng.
Trên thế giới, lượng khán giả xem truyền hình truyền thống chuyển dịch sang xem truyền hình trên các thiết bị di động tăng trung bình hàng năm khoảng 30%.
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần.
Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng Internet hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình.
Hiện ở Việt Nam đã có đến 30 sản phẩm OTT truyền hình như: VTVgo, VTV giải trí, OnMe…
Thống kê cho biết, hiện ở Việt Nam, có khoảng 11% khán giả đang xem truyền hình theo yêu cầu qua TV app trên thiết bị di động.

Từ những ông lớn truyền hình như VTV, VTC, K+, SCTV đến các doanh nghiệp nội như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy hay cả doanh nghiệp ngoại như iFlix, Netflix đều đã tham gia vào cuộc cạnh tranh cung cấp các sản phẩm OTT truyền hình phục vụ người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp OTT truyền hình không tiết lộ số tiền đầu tư, nhưng nhận định chi phí đầu tư làm nội dung, công nghệ, cơ sở hạ tầng là “rất lớn”.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận “đốt tiền” vào cuộc chơi mới này, kỳ vọng những lợi ích bền vững trong dài hạn. Bởi “thị trường OTT là của thế hệ tương lai, là xu hướng tất yếu, nếu không đầu tư sẽ trở thành thụt lùi”, theo ông Hoàng Ngọc Huấn, Chủ tịch VTV Cab.
Theo Kantar Media, Tivi giao thức Internet đang chiếm 20,3% hạ tầng truyền dẫn TV tính theo % hộ gia đình tại Đà Nẵng, 15,6% tại Hà Nội và 15,2% tại TP. Hồ Chí Minh.

Hạ tầng truyền dẫn TV tính theo % hộ gia đình. Nguồn: Kantar Media

Vi phạm bản quyền và cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn về nội dung

Các diễn giả cho rằng, cạnh tranh ở Việt Nam đối với thị trường OTT Truyền hình là khủng khiếp bao gồm cạnh tranh giữa các đối tác OTT với nhau, giữa đối tác OTT nước ngoài với đối tác OTT Việt Nam, thuế và kiểm duyệt nội dung.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch BHD, các doanh nghiệp OTT trong nước phải trả thuế trong khi các doanh nghiệp OTT nước ngoài thì chưa rõ có phải đóng thuế hay không; các doanh nghiệp có OTT platform nội địa đều phải có kiểm duyệt, họ ít có lợi thế về chi phí đầu tư và không có lợi thế về thị trường, phải tập trung vào thị trường nội địa.
Vì vậy, các doanh nghiệp OTT trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp OTT nước ngoài rất khó khăn và không sòng phẳng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp OTT trong nước phải cạnh tranh rất khốc liệt với các trang web đăng tải “nội dung lậu”.
Thống kê của Kantar Media cho thấy, các trang web cung cấp dịch vụ nội dung truyền hình, phim ảnh hàng đầu ở Việt Nam hiện nay tính theo lượng người sử dụng gồm có Youtube, Phimmoi.net, ZingTV, FPT Play, Phim Bất Hủ, HDViet.
Nhưng hầu hết nội dung trên các trang web nói trên là không có bản quyền.

Các nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu tính theo lượng người truy cập. Nguồn: Kantar Media 
95% nội dung OTT truyền hình hiện nay ở Việt Nam là nội dung lậu, vi phạm bản quyền.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh đơn cử sau khi các phim được công chiếu tại rạp (có bản quyền) khoảng 2 tuần sẽ có phim bản sao chép và khoảng 1 tháng sẽ có phim bản đẹp HD trên trang Phimmoi.net.
Vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan đang trở thànhgánh nặng lớn, làm giảm tốc các doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam.
Trong khi đó, xử lý hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ.
Ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc VTVcab cho rằng, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa đủ sức răn đe để người vi phạm dừng lại.
Dù vậy, các doanh nghiệp xác định vẫn đầu tư vào lĩnh vực OTT Truyền hình, tìm thị trường ngách, song song với việc phải đấu tranh với nạn vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan.

Nguồn: bizlive.vn