Ðiệu xòe cổ trên đất Mường Lò

Người Thái ở thung lũng Mường Lò (gồm thị xã Nghĩa Lộ và một phần huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã mượn câu tục ngữ của ông bà: “Người già như ánh sáng giữa bản” mỗi khi nói đến ông Lò Văn Biến ở thôn Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Bởi ông không chỉ là pho sử sống của dân tộc Thái mà còn là người có công rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc.

 

 Đêm hội xoè ở Mường Lò.

Từ khi người con út vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn đáng tiếc, ông Lò Văn Biến như đứt từng khúc ruột. Ông cố nén nỗi đau để sống và làm việc, để bà Pong, vợ ông có một chỗ dựa. Ông xót con, thương bà vô cùng. Ông bà, dòng họ và bà con bản mường đặt biết bao niềm tin, hy vọng vào người con trai thông minh, chăm ngoan, hiếu thảo. Chính ông đã bền bỉ dạy con chữ Thái cổ Mường Lò, uốn nắn cho con từng tiếng khèn, điệu pí, truyền cho con ngọn lửa tình yêu nền văn hóa dân tộc. Khi con trai ông bà học lớp cao đẳng âm nhạc của Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái, ông bà càng yên tâm hơn vì tin rằng con của ông bà sẽ kế tục sự nghiệp của ông. Thương chồng, người vợ yêu quý đã giúp ông xếp ngay ngắn những tác phẩm mà ông dày công sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, như: “Quámk tốk mướng” - Chuyện bản mường, cuốn sử của dân tộc Thái; “Táy púk sấc” - Bước đường chinh chiến của cha ông; “Căm Hánh tặp sấc cớ lương” - Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng viết về cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược phương bắc của người Thái Mường Lò… Rồi còn biết bao công trình góp phần vào việc khôi phục và bảo tồn nền văn hóa Thái như: Tìm hiểu một số tục cúng vía của người Thái Ðen Mường Lò, lễ hội Xên bản xên mường (tức cúng bản cúng mường - một mỹ tục thờ cúng các bậc đã có công khai phá đất Mường Lò, được nhân dân tôn làm thành hoàng và cầu phúc cho bản mường); sinh hoạt Hạn khuống - tức sàn hoa ngoài trời, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên; lễ hội Síp sí - tức Tết 14 tháng 7, nhưng theo lịch Thái cổ là 14 tháng Giêng với lễ Tám khuôn quái - cúng vía trâu độc đáo… Rồi còn biết bao những tác phẩm thơ, kịch, bài hát, đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được bà con người Thái Tây Bắc thuộc lòng và vẫn ngâm nga mỗi khi vui chơi, hội hè.

Từ thuở còn thơ, đã bao lần ông lắng nghe như muốn nuốt lấy từng lời những điệu khắp - hát, ngâm, hò - của bà, của mẹ. Tất cả như suối nguồn tưới mát tâm hồn ông, khơi dậy một tình yêu vô bờ bến với nền văn hóa của dân tộc mình. Thấy con thông minh, lại ham học hỏi, bố mẹ cho ông đi học. Ngày ấy cả vùng chỉ có ông mo Lò Văn Phớ là giỏi chữ Thái. Mỗi đêm học phải trả công một “bung” thóc 15 kg. Chữ Thái cổ khó học bởi không có dấu ngắt câu và dấu thanh điệu, hệ thống phụ âm thay thế cho dấu thanh lại rất phức tạp. Ðược hai đêm, người bạn cùng học bỏ vì không theo được. Còn ông chỉ sau năm đêm miệt mài với than củi viết trên mo cau đã bắt đầu biết ghép vần và đọc được. Có được chút vốn ban đầu ấy, ông bắt đầu cuộc hành trình lặn lội bản dưới, mường trên sưu tầm sách cổ về mày mò đọc, tự học và tập dịch sang quốc ngữ. Ông hiểu rằng theo thời gian số sách cổ sẽ ngày một ít đi. Chồng sách của ông bây giờ, cuốn thì ông bớt ăn bớt mặc để mua lại, cuốn ông được bà con yêu quý tặng cho, như: Chương han - tức dòng họ Chương dũng cảm; Xống chụ xon xao - Tiễn dặn người yêu; Khun Lú náng ủa - tức Chàng Lú nàng Ủa; Í ưởi í noọng - Cô chị cô em… Sách cổ của ông nhiều đến nỗi, ông dành gần trọn cuộc đời để ghi lại bằng phiên âm, dịch sang quốc ngữ cũng chỉ được một phần nhỏ.

Cuộc đời của ông thay đổi rất nhiều từ khi đi học sư phạm ở khu học xá Tây Bắc (1954 - 1957), rồi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và quá trình đi dạy học. Ngay khi đã nghỉ chế độ, năm 1984, ông vẫn tham gia làm Trưởng ban Văn hóa - Giáo dục của xã Nghĩa Lợi quê hương ông 19 năm liền. Ông bộc bạch với mọi người: “Ngày trước gia đình cho đi học, đọc được cái chữ của tổ tiên đã mừng lắm, đã biết quý trọng vốn văn hóa của tổ tiên để lại. Từ khi được Ðảng và Nhà nước cho đi học, mắt như sáng thêm, biết yêu quý hơn tài sản vô giá của dân tộc để lại và cũng biết cách sưu tầm, nghiên cứu và truyền bá vốn văn hóa ấy”. Ông không chỉ như pho sử sống của dân tộc Thái mà còn là trung tâm đoàn kết của cộng đồng. Dân bản kính trọng ông, người nhờ ông xem ngày tốt để dựng nhà, cưới hỏi, ma chay; người nhờ ông hòa giải những xích mích… ông vui cùng niềm vui hạnh phúc của mỗi gia đình, bản mường.

Một kỷ niệm làm ông nhớ mãi chính là quá trình sưu tầm và phổ biến sáu điệu xòe cổ. Mường Lò - nơi ông sinh ra và lớn lên chính là “đất tổ” của người Thái Tây Bắc Việt Nam, là quê hương của sáu điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn ba mươi điệu xòe của người Thái Tây Bắc. Không quản nắng mưa, ông đạp xe đến nhiều nơi để tìm hiểu, chỉnh lý rồi dạy cho đội văn nghệ của các xã, phường, trường học trong thị xã Nghĩa Lộ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Nghĩa Lộ (1952 - 2002) sáu điệu xòe cổ được công diễn làm nức lòng bà con khắp các bản mường. Còn các du khách trong và ngoài nước không giấu được sự khâm phục. Biết tiếng ông, quý trọng cái tài, cái tâm của ông, các bạn xa gần đều đến học hỏi, các cháu sinh viên đến nhờ ông chỉ bảo giúp đỡ, nhiều nghiên cứu sinh từ Pháp, Nhật Bản, Thái-lan, Ðức… đến xin học, đều được ông chỉ dạy tận tình. Ông vẫn bảo: “Lớp trẻ biết yêu vốn văn hóa dân tộc thật đáng quý và trân trọng biết bao. Tôi không tiếc gì sức lực, chỉ mong bà con người Thái sẽ biết đọc, biết viết cái chữ của dân tộc mình, biết “khắp” biết “xòe”, biết thổi khèn, thổi pí, biết làm theo những điều ông bà dạy, trân trọng nâng niu những giá trị văn hóa phải trải qua bao đời mới có được.

Khi lớp Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò được tổ chức, ông mừng lắm. Cùng lúc ông lại được UBND tỉnh tín nhiệm giao trọng trách là chủ biên, biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò để dạy cho cán bộ, viên chức đang công tác ở vùng dân tộc miền núi tỉnh Yên Bái. Ông say mê làm việc quên cả thời gian, bởi ông biết rằng rồi sẽ có rất nhiều người thông thạo tiếng và chữ Thái, góp phần bảo tồn vốn văn hóa dân tộc. Ðến nay, lớp Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò đã thu được kết quả tốt đẹp, 100% đạt yêu cầu và có tới 80% học viên đạt loại khá, giỏi. Còn Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò đã hoàn thành và được Hội đồng Khoa học quốc gia đánh giá có chất lượng tốt, nay đã được sử dụng để giảng dạy trong bảy tỉnh có đông người Thái sinh sống. Có lẽ vì thế, GS, TS khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong một lần dự lễ khai giảng lớp Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò đã chân tình nói với ông Biến: “Hãy cố mà sống để còn giữ gìn và truyền lửa cho con cháu”.

Còn bất cứ ai tiếp xúc với ông dù là lần đầu đều thấy rất dễ gần và kính trọng khi thấy ở tuổi 80 mà ông vẫn dồn hết tâm huyết vào công việc như chạy đua với thời gian.