Để Thành nhà Hồ luôn là niềm tự hào và là điểm đến của mọi du khách .

      Với những giá trị lịch sử, văn hóa toàn cầu, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Cùng với niềm tự hào được vinh danh, vấn đề bảo tồn và phát triển di sản “vô tiền khoáng hậu”, công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” này càng trở nên quan trọng. 

Công trình kiến trúc độc đáo, di sản “vô tiền khoáng hậu”của nhân loại

Công trình kiến trúc độc đáo Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành đào hào, lập nhà tôn miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá đường ngõ, công việc làm 3 tháng thì xong”.

Thành được xây dựng trên nền diện tích 155 ha (vùng lõi), còn quần thể di tích thành rộng khoảng hơn 5.000 ha. Thành gồm 3 bộ phận: La Thành, Hào Thành và Hoàng Thành, bên ngoài xây đá, bên trong chủ yếu đắp bằng đất. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, chiều Bắc-Nam dài 870,5m; chiều Đông-Tây dài 883,5m; độ cao trung bình 7-8m, có nơi cửa nam cao hơn 10m. Bốn cổng được xây theo 4 hướng Nam – Bắc – Đông – Tây. Kiến trúc cổng được họa theo mái vòm, những phiến đá trên vòm cửa được đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau. Với 2 cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây bằng những phiến đá dài khoảng 1,5m, có tấm dài 6m, trọng lượng trung bình mỗi khối nặng từ 10-20 tấn, đặc biệt tường thành phía Tây có khối đá khổng lồ 26,7 tấn, với tổng khối lượng khoảng 25.000m3 đá và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.

Qua hơn 600 năm, hệ thống tường thành gần như vẫn còn khá nguyên vẹn, mặc dù những phiến đá nặng hàng chục tấn chỉ xếp chồng lên, không có chất kết dính. Điều khiến người ta kinh ngạc và thán phục là công trình vĩ đại này hoàn thành trong vòng chỉ có 3 tháng vừa thiết kế lẫn thi công, qua đó thể hiện trình độ xây dựng độc đáo, bàn tay tài hoa và sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các “nghệ nhân” thời bấy giờ.

Thành nhà Hồ không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng kiệt xuất về công trình thành đá cổ mà còn là một pháo đài quân sự. Sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Như vậy, đến nay chúng ta đã có 3 kinh đô cổ được vinh danh đó là: Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ.

Cần phải đánh thức các tiềm năng

Mặc dù đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư gần 22 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng và khảo cổ, nhưng dường như các giá trị của di sản Thành nhà Hồ vẫn chưa được đánh thức, vẫn còn ở dạng tiềm năng, nhất là du lịch. So với các di sản đã được công nhận khác,`vấn đề phát triển du lịch ở đây vẫn còn quá khiêm tốn. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, từ khi được công nhận, khách du lịch đến với di sản này tăng từ 2-2,5 lần. Năm 2011, Thành nhà Hồ đón khoảng 16.000 lượt khách. Gần kề thời điểm Thành nhà Hồ chuẩn bị đón Bằng công nhận Di sản thế giới, 6 tháng đầu năm 2012, du khách đến tham quan nhiều nhất, khoảng 11.000 lượt khách, nhưng vẫn chủ yếu là khách tự do, đi theo tuyến gia đình còn khách theo tour và đặc biệt là khách nước ngoài rất ít.

Lý giải cho việc Thành nhà Hồ chưa thu hút khách du lịch, các giá trị vẫn ở dạng tiềm năng chưa được đánh thức, ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng. Mặc dù gần đây UBND tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di sản có chú trọng đẩy mạnh, nhưng do di sản mới được công nhận nên khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế vẫn còn ít biết đến. Bên cạnh đó, việc liên kết các tuyến điểm tham quan và các dịch vụ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các tour, tuyến du lịch kết nối với Thành nhà Hồ còn hạn chế. Tham quan Thành nhà Hồ vào những ngày thường, chỉ duy nhất có 1 tuyến điểm kiểm soát vé và 2 gian hàng tại cổng thành phía Nam. Du khách đến với Thành nhà Hồ ngoài ngắm 4 cổng thành, nghe kể chuyện lịch sử, ngắm vài mẫu vật cổ, thăm Đàn tế Nam Giao, làng cổ và mua vài gói bánh, kẹo sơ sài, được coi là đặc sản vùng quê Vĩnh Lộc gần như không còn gì đáng kể để ở lại.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Toán, từ khi xây dựng hồ sơ và được công nhận là Di sản thế giới, việc hàng ngày, thành quách bị trâu bò vào dẫm đạp, trẻ con vẽ bậy, gạch và đá bị bà con lấy về để làm nhà, xây tường, đường, công trình dân sinh tuyệt đối không còn. Do được đầu tư, đường lên di sản bây giờ cũng không còn ngập úng, lầy lội vào những ngày mưa. Không chỉ tuyến đường chính dẫn tới Hoàng thành mà hệ thống đường dẫn tới công trường khai thác đá cổ và đàn tế Nam Giao đã thuận tiện hơn nhưng có lẽ vẫn chưa xứng với tầm của một Di sản thế giới.

Để di sản luôn là niềm tự hào và là điểm đến của mọi du khách

Chia sẻ về phương hướng phát triển, đặc biệt là việc đánh thức các tiềm năng của Thành nhà Hồ trong tương lai, ông Nguyễn Xuân Toán cho biết thêm: Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng những năm tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ…tạo điều kiện để di sản phát triển xứng với danh hiệu mà nó đã đạt được.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cũng như tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng rất nhiều vào 2 cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp Thành nhà Hồ đón Bằng công nhận Di sản thế giới. Hy vọng rằng, với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, sẽ vạch ra cho tỉnh phương hướng cụ thể cho việc bảo tồn và phát triển di sản những năm tiếp theo.

Việc giải bài toán về việc bảo tồn và phát triển Thành nhà Hồ cũng như nhiều di sản đã được UNESCO công nhận luôn là vấn đề nan giải. Thực tế, chúng ta đã có bài học đắt giá về việc bảo tồn ở Vịnh Hạ Long. Vì chủ quan, có lúc chúng ta đã để tình trạng khai thác than gây ô nhiễm mặt biển và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường nơi đây. Rồi do không lường hết được hậu quả, chúng ta đã để việc đốt rừng tràn lan làm ảnh hưởng tới vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng khiến các tổ chức quốc tế phải lên tiếng…

Tuy chưa bị UNESCO cảnh báo, nhưng việc tôn tạo đàn tế Nam Giao vừa rồi của Thành nhà Hồ cũng còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo việc bảo tồn di sản phải đảm bảo tính chân xác và chính danh tránh tình trạng “tam sao thất bản” làm mới hay hiện đại hóa di sản như nhiều công trình đã mắc phải.

Để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá tiêu biểu độc đáo của Thành nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời nhằm đánh thức các tiềm năng của di sản “độc nhất vô nhị” này, ngoài việc phải thực hiện nghiêm túc những cam kết về chương trình hành động với UNESCO, có lẽ ngay từ bây giờ tỉnh Thanh Hoá cần phải có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho Di sản Thành nhà Hồ cả về kinh phí lẫn đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Không chỉ đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế, việc xây dựng hệ thống dịch vụ: nhà hàng, nghỉ dưỡng… để phục vụ du khách cũng là điều vô cùng cần thiết. Bảo tồn và phát triển di sản không phải là việc riêng của các cấp, các ngành nào mà đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là người dân sống trên địa bàn có di sản.

Thành nhà Hồ không chỉ là niềm kiêu hãnh của nhân dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung, mà trên tất cả, đó là tài sản vô giá của quốc gia, là hồn cốt của cả dân tộc, là niềm tự hào của cả nhân loại. Di sản sẽ là nguồn năng lượng không bao giờ cạn kiệt, nếu biết khai thác và đánh thức các tiềm năng. Đây cũng sẽ là động lực và là cơ hội để phát triển kinh tế xã hội xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung./.