Cổ hũ dừa ngâm hèm

Không biết từ bao giờ, cổ hũ dừa trở thành món đặc sản của người thành thị. Trước đây, ở những xứ dừa, lắm lúc, cổ hũ chỉ là thứ bỏ đi. Còn bây giờ, nếu có một vườn dừa nào bị đốn hạ thì ngay lập tức, đã có đội ngũ săn cổ hũ dừa túc trực, sẵn sàng mua hết để chuyển về Sài Gòn, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn.

Người Sài Gòn có lẽ chỉ biết thưởng thức cổ hũ dừa qua một số món quen thuộc như làm gỏi, xào, bánh xèo, và dù ăn thế nào, nguyên liệu đều là cổ hũ dừa tươi. Người dân đất Bến Tre còn có cách làm cổ hũ dừa ngâm chua hay nói chính xác hơn là cổ hũ dừa ngâm hèm. Đây là món để dùng dần rất ngon mà người thành thị hiếm khi có dịp thưởng thức.

Cổ hũ dừa nếu chặt vào, không dùng liền, có thể để hai ba ngày mà không hư hay già, nhưng lâu hơn nữa thì không được. Do đó, người ta đã nghĩ ra cách đem ngâm hèm vừa để trữ cổ hũ dừa lâu hỏng vừa cho ra đời một thành món ăn lạ.

Hèm ở đây tức là bã cơm rượu gạo hay nếp còn lại sau khi đã kháp xong một vại rượu. Phần bã này thường được người ta tận dụng để nuôi heo, có vị chua và mùi thơm đặc trưng. Muốn ngâm cổ hũ dừa, phải chọn loại hèm vừa mới dở, không nóng nhưng phải còn âm ấm, sau đó dùng rổ lược bỏ phần xác cơm, chỉ chừa lại phần nước và cho cổ hũ dừa vào ngâm như ngâm dưa.

Muốn cổ hũ dừa mau chua, mau ăn, người ta có thể xắt sợi trước khi ngâm, sau một ngày là có thể ăn được. Cổ hũ dừa khi này có vị chua như dưa ngâm, ăn rất ngon và không ngán. Cái độc đáo là món ăn có mùi thơm rất lạ của hèm, vừa âm ấm hơi rượu, vừa thoang thoảng chút men.
Khi ăn, cổ hũ dừa được vớt ra, xả thật sạch, vắt cho thật ráo, sau đó đem xào tôm hay thịt hoặc trộn gỏi. Tuy nhiên, vì món ăn chua chua nên dễ gây xót ruột nếu dùng nhiều. Do đó, dù món ăn có ngon thế nào, cũng chỉ nên ăn vừa phải, kèm với những món khác cho cân bằng.

Nguồn Phụ nữ  TPHCM