Brisbane là sự chuẩn bị hoàn hảo cho Australian Open

Thời tiết nóng và ẩm cùng với một đội hình tham dự có chiều sâu ở Brisbane International 2016 chính xác là những yếu tố hoàn hảo để biến giải đấu khai mùa này trở thành một sự chuẩn bị cần thiết cho Maria Sharapova trong tham vọng giành ngôi vô địch Grand Slam thứ 6 trong sự nghiệp – danh hiệu Australian Open 2016. Đây sẽ là lần thứ 3 liên tiếp, “búp bê tóc vàng Nga” thi đấu ở Trung tâm quần vợt Queensland trong giai đoạn mùa hè Australia, với Masha, giải đấu Brisbane International đích thị là rất “lý tưởng” để khởi động mùa giải năm nay.

Maria Sharapova và chiếc cúp vô địch Brisbane International 2015.

Sau khi để thua… “đại khắc tinh” Serena Williams ngay ở sân Pat Rafter Arena hồi cách đây 2 năm, Masha đã tìm được cách đăng quang ngôi vô địch Brisbane International, cô đã giành danh hiệu Brisbane International 2015 sau khi đánh bại Ana Ivanovic với điểm số 6/7 (4-7), 6/3, 6/3. Tất nhiên, ở giải đấu đó, Serena đã vắng mặt, nên Masha mới có thể “đại triển thần uy”. Ngay sau chiến tích cực kỳ ấn tượng này, Masha đã phiêu lưu đến tận trận đấu chung kết của Australian Open và lại để thua Serena thêm một lần nữa (trận thua thứ 16 liên tiếp trước Serena của Masha, sau đó, cô tiếp tục thua Serena ở bán kết Wimbledon). Sao cũng được, với Masha, Brisbane International đã nhanh chóng trở thành một trong những giải đấu mà cô yêu thích nhất.

Ở Brisbane International mùa giải năm nay, tuy rằng Masha không phải đối đầu với “đại khắc tinh” Serena, nhưng rõ ràng, việc bảo vệ ngôi vô địch của cô là không hề dễ dàng, khi mà tay vợt hạng 4 thế giới người Nga phải đối diện với “2 thế lực ớn lạnh khác” – đó chính là tay vợt hạng 2 thế giới người Rumani Simona Halep và tay vợt trẻ hạng 3 thế giới người Tây Ban Nha Garbine Muguruza (người đã bày tỏ rằng cô đang rất muốn tìm kiếm danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp). Ngoài ra, sự góp mặt của cựu số 1 thế giới người Belarus Victoria Azarenka – tay vợt từng 2 lần lên ngôi ở Australian Open (trong các năm 2012 và 2013) cũng sẽ là “một mối uy hiếp” đáng kể khác dành cho nhiệm vụ bảo vệ danh hiệu của Masha.

Masha cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia giải đấu ở Queensland khá muộn màng (mãi đến năm 2014, Masha mới góp mặt lần đầu tiên ở Brisbane International), nhưng một khi đã thi đấu ở đây, đơn giản tôi cảm thấy giải đấu này chính là sự chuẩn bị tốt nhất mà tôi có thể có để bước vào giải đấu Grand Slam đầu tiên trong năm. Đây là giải đấu duy nhất mà tôi tham gia thi đấu để hướng đến Australian Open và nếu bạn là người dũng cảm muốn đối đầu với những tay vợt giỏi nhất thế giới thi đấu chính là sự kiện khó nhằn nhất, thách thức nhất mà bạn cần phải tham dự. Đó là lý do tôi luôn chọn thi đấu ở đây trong mấy năm trở lại đây”.

Masha cho biết cô đã hồi phục hoàn toàn 100% khỏi những chấn thương vốn đã khiến cô buộc phải vắng bóng trên sân đấu trong 3 tháng cuối năm 2015, bao gồm cả giải US Open 2015. Việc thể lực của Masha đã hồi phục hoàn toàn sau chấn thương là một tiêu chí quan trọng để cô chấm dứt quãng thời gian dài ròng rã 18 tháng không giành nổi một danh hiệu lớn nào. Lần cuối cùng Masha đăng quang ở đấu trường Grand Slam đình đám đó là ngôi vô địch tại French Open 2014 (thắng Halep trong trận đấu chung kết). Kể từ tháng 6-2014 cho đến nay, Masha vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi và cô hy vọng điều đó sẽ sớm chấm dứt trong giai đoạn tháng 1-2016. Nên nhớ, Masha “vẫn có thói quen” thắng Grand Slam trong các năm chẵn, và năm 2016 này lại là một năm chẵn hứa hẹn mang đến nhiều may mắn cho tay vợt người Nga.

Ngoài danh hiệu Grand Slam, Masha cũng đặt nặng mục tiêu ở đấu trường Olympic. Sau khi giành tấm HCB nội dung đơn nữ ở Olympic London 2012 (thua “đại khắc tinh” Serena trong trận đấu mà cô chỉ giành được vỏn vẹn… 1 game đấu), cô đương nhiên muốn đổi “màu vàng” ở Olympic Rio de Janeiro vào mùa hè năm nay. “Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời ở London. Luôn là rất đặc biệt khi trở thành VĐV Olympic lần đầu tiên trong đời. Bạn chơi môn thể thao cá nhân này, sau đó bạn có mặt ở Olympic, và cho dù bạn vẫn đang làm một câu chuyện tương tự – thi đấu với vai trò một cá nhân, thì bạn vẫn thuộc về một tập thể, bạn là một thành phần của một gia đình, bạn là một đại diện của một đội tuyển, một đất nước. Tôi đã trưởng thành sau khi trải qua văn hóa Olympic thời còn thơ ấu ở nước Nga. Vì thế, tôi hiểu rõ điều đó có giá trị như thế nào đối với Tổ quốc”.

Nguồn SGGP