Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 14/3 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  Nghiêm Vũ Khải chủ trì Hội nghị.
 

 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: BL.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải khẳng định, Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cơ hội để mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ Khoa học và Công nghệ tìm hiểu sâu sắc hơn, vừa để đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp, vừa góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cơ bản của quốc gia.

Đánh giá chung về Dự thảo, tại Hội nghị các đại biểu đều nhất trí khẳng định, Dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn, hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ… Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Về các quy định của Dự thảo đối với khoa học và công nghệ, các đại biểu cho rằng, các quy định đã khẳng định rõ các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu”, khẳng định “khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội”, đặc biệt trong quá trình xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức. Dự thảo cũng khẳng định quan điểm tự do sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Góp ý vào một số vấn đề cụ thể trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “ứng dụng các thành quả” vào Điều 43 “Mọi người có quyền nghiên cứu, ứng dụng các thành quả khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật”; mục 3 Điều 67 bổ sung cụm từ “và đổi mới sáng tạo” để trở thành “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Một số đại biểu đề nghị chuyển mục 3 Điều 67 lên Điều 43 nhằm đảo bảo tính hợp lý, đầy đủ của điều này.

Cũng theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, so với Hiến pháp 1992, lần sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã có 3 điều quy định về khoa học và công nghệ, trong đó khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các Điều 65, 67 và 43 đã quy định cụ thể hơn về khoa học và công nghệ, khẳng định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt và là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại 121 đơn vị trực thuộc Bộ và đã nhận được 443 ý kiến đóng góp cụ thể vào các điều trong Dự thảo.