“Báo động đỏ” biến chủng Kappa

Ấn Độ đang phải chật vật ứng phó với dịch Covid-19 lây lan mạnh do biến chủng Delta Plus. Song, ngành y tế nước này dự báo có thể đối mặt với mối lo mới khi ghi nhận 1 trường hợp tử vong ở bang Uttar Pradesh liên quan đến biến chủng Kappa.

 

an-do_rlas

Người dân Ấn Độ tiêm vaccine Covid-19

Nguy hiểm như Delta

Bang Uttar Pradesh đã ghi nhận 2 trường hợp mắc biến chủng Kappa, trong đó 1 người tử vong là nam giới, 66 tuổi, không có lịch sử đi lại. 2 ca này được phát hiện sau khi các chuyên gia y tế tiến hành giải trình tự gene đối với 109 mẫu xét nghiệm. Trong số này, 107 mẫu xét nghiệm mắc biến chủng Delta và 2 mẫu mắc biến chủng Kappa. Trước đó, cũng tại bang này đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên mắc biến chủng Delta Plus.

Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng khoa Vi trùng học Trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das (quận Gorakhpur, bang Uttar Pradesh) cho biết, biến chủng Kappa và Delta cùng một họ virus, mức độ nguy hiểm tương tự nhau. Biến chủng này đang gây “báo động đỏ”, khiến giới y khoa toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan. Người mắc biến chủng Kappa có triệu chứng tương tự triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi mắc. Tuy nhiên, người mắc biến chủng Kappa không có hiện tượng bệnh lý ngoài da như sởi. Hiện Ấn Độ chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến chủng Kappa.

Còn các nhà khoa học thuộc Công ty Vir Biotechnology và Viện Y học tiến hóa gene tại Đại học Temple (Mỹ) dự đoán, trong 4 tháng tới, 22 biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện và một số trong đó sẽ làm giảm khả năng bảo vệ của kháng thể.

Chạy đua chủng ngừa

Với việc biến chủng Delta lây lan gần 100 quốc gia và thêm một số biến chủng mới nguy hiểm xuất hiện, các chuyên gia tại châu Âu đều thống nhất rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới do biến chủng Delta tại lục địa này là tiêm vaccine và phải đảm bảo 70% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine. Theo tài liệu của Hội đồng Khoa học của Chính phủ Pháp, hiệu quả của vaccine đối với biến chủng Delta đã được chứng minh dù ở mức khác nhau đối với từng loại vaccine: từ 55%-71% đối với vaccine AstraZeneca và từ 73%-85% đối với sản phẩm của Pfizer/BioNtech hay Moderna.

Tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch của nước này đã nâng mục tiêu bao phủ tiêm chủng từ 80% lên mức 85% để có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, nhiều chính trị gia Đức kêu gọi người dân tham gia tiêm chủng để tiến tới dỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào tháng 8 tới. Tại Hy Lạp, chính phủ nước này thông báo sẽ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm nghề đặc biệt từ tuần tới, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh gần đây. Ủy ban Đạo đức sinh học Hy Lạp hồi tháng trước đã khuyến cáo việc tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế và những người làm việc ở các cơ sở dưỡng lão sẽ là lựa chọn cuối cùng khi các nỗ lực khuyến khích tiêm chủng không hiệu quả…

Tại Mỹ, cơ quan chức năng tiếp tục hối thúc người dân nước này đi tiêm chủng. Bên cạnh khuyến nghị người dân, chính quyền liên bang cũng sẽ có sự điều chỉnh khi chuyển trọng tâm từ các địa điểm tiêm chủng hàng loạt sang phương pháp tiếp cận với quy mô hẹp hơn hướng tới cộng đồng. Trọng tâm của cách tiếp cận mới là cung cấp nhiều vaccine hơn cho các hiệu thuốc địa phương, bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi khoa, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng đến từng nhà, tăng cường các phòng tiêm chủng lưu động và triển khai các đợt tiêm chủng tại nơi làm việc.

Tại Đông Nam Á, nơi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Malaysia  cho biết gần 3,2 triệu người dân nước này đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, tương đương 10% dân số. Malaysia dự kiến sẽ đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho 30%-40% dân số vào cuối tháng 8 tới. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia cho hay đã có hơn 4,7 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, tương đương 47,5% trong tổng số 10 triệu người dự kiến được tiêm phòng để đạt được miễn dịch cộng đồng…

Nguồn SGGP