Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại Tiền Giang

(THTG) Ngày 27/3, Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 14 do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, trong giải quyết các vụ án đối với các quyết định hành chính của UBND trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017. Tham dự và tiếp đoàn có ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

 vlcsnap-2018-03-27-14h52m49s692

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Long

Đoàn giám sát đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình ban hành quyết định hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính của Chủ tịch UBND, UBND trên địa bàn tỉnh, thực trạng chấp hành quyết định và quyết định ban hành bị khiếu kiện. Theo đó, UBND các cấp của tỉnh luôn chấp hành quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thể thức ban hành văn bản hành chính, nhất là các quyết định hành chính cá biệt. Trong 3 năm, từ năm 2015 đến năm 2017, số quyết định hành chính trái pháp luật bị tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ là 7/88 quyết định, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, như khiếu nại về thu hồi, bồi thường đất hoặc xử lý vi phạm về đất đai, số hành vi hành chính bị khiếu kiện bị tòa tuyên trái luật là 0/4 quyết định.

Đoàn giám sát đã tìm hiểu về tình hình thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, số bản án không rõ, không thi hành hoặc sửa đổi, bải bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết án, việc thi hành án và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức viên chức trong thi hành án của cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh trong những năm qua.

vlcsnap-2018-03-27-14h52m42s023

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Long

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã có một số kiến nghị với Đoàn liên quan đến việc cần có quy định cụ thể về điều kiện ủy quyền, thời hạn ủy quyền, trách nhiệm pháp lý của người được ủy quyền trong việc ban hành quyết định hành chính; có biện pháp xử lý trường hợp người đại diện Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt dẫn đến hoãn phiên tòa hoặc kéo dài thời gian giải quyết vụ án; bổ sung thẩm quyền Hội đồng xét xử của tòa án được sửa quyết định hành chính trái pháp luật, buộc cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quy định về chế tài để đảm bảo thi hành các phán quyết của tòa án…

Qua giám sát, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có cơ sở đánh giá đúng về tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án đối với các quyết định hành chính ở hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Từ đó kịp thời đưa những kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giải quyết, thi hành án và điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp hơn trong thời gian tới.

Mạnh Cường