Người đẹp dân tộc phía Nam duyên dáng với áo dài

Ảnh minh họa

Ban giám khảo cuộc thi

Tiếp sau thành công của Vòng bán kết phía Bắc của Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ III-2013, từ ngày 29-31/5/2013, tại Khách sạn Imperial (thành phố Vũng Tàu- tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu); 56 thí sinh, thuộc 9 dân tộc: Thổ, H’rê, Chăm, Nùng, Hoa, K’Ho, S’tiêng, Ê đê, Kinh, đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, đã góp mặt trong Vòng bán kết phía Nam của cuộc thi. Và những nhan sắc dân tộc đã thực sự  tỏa sáng trong vòng thi bán kết này…

Duyên dáng và thông minh

Phần thi đầu tiên, diễn ra chiều 29/5, là phần thi ứng xử – phần thi được quan tâm nhất, bởi đó là cơ hội để các thí sinh có thể toả sảng về mặt trí tuệ, tinh thần; đồng thời cũng là cơ hội để các em có thể khoe những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc của mình.     

Với sự góp mặt của hơn 40 thí sinh dân tộc Kinh, dường như chiếc áo dài dân tộc đã có cơ hội để lên ngôi  với rất nhiều sắc màu văn hoá đặc biệt. Đa số các thí sinh đều chọn chiếc áo dài là trang phục lên sân khấu cho mình, nhưng mỗi chiếc áo dài của các thí sinh lại mang những nét rất riêng, độc đáo, thể hiện sự “dụng công” của họ ngay trong phần chọn trang phục.

Ảnh minh họa


Thí sinh Hồ Hoàng Trâm Anh (Quảng Nam).

Thí sinh Hồ Hoàng Trâm Anh, SBD 01 (dân tộc Kinh), đến từ Quảng Nam, đã mang cả quê hương “chưa mưa đã thấm” tới cuộc thi: Chiếc áo dài lụa trắng tinh khiết của Trâm Anh với hoạ tiết là hình ảnh khu phố cổ Hội An – di sản văn hoá Thế giới của Quảng Nam, đã thực sự chinh phục được những  người tham dự phần thi này. Trâm Anh tâm sự, “em rất tự hào khi Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 sẽ được tổ chức tại Hội An (Quảng Nam), bởi đây chính là cơ hội để em có thể giới thiệu về nơi mình sinh ra và lớn lên, giới thiệu về hai di sản văn hoá thế giới nổi tiếng của đất Quảng Nam là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An”.

Với Võ Thị Thuỳ Dung, SBD 09 (dân tộc Kinh), đến từ tỉnh Khánh Hoà, chiếc áo dài mà Thuỳ Dung chọn lại gây xúc động cho BGK cũng như những người tham dự cuộc thi: Chiếc áo dài với hình ảnh nổi bật của quần đảo Trường Sa lớn, thể hiện chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam. Thuỳ Dung cho biết: “Ngay khi tham gia cuộc thi, em đã có ý tưởng sẽ mặc bộ áo dài mang dáng vóc, hình ảnh đất nước Việt Nam, vì thế em đã đặt may và thiết kế một bộ áo dài đặc biệt cho riêng mình: Cùng với bản đồ đất nước Việt Nam được đính đá cầu kỳ, hình hòn đảo Trường Sa lớn được vẽ nổi bật trên nền tà áo dài màu trắng…”.

Thuỳ Dung tâm sự, quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa, cũng là một trong hai quần đảo thiêng liêng của tổ quốc, vì vậy, Thuỳ Dung muốn nhân dịp này, giới thiệu với bạn bè về một phần của mảnh đất quê hương mình, đồng thời kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc – một lòng hướng về Trường Sa, cùng bảo vệ Trường Sa thiêng liêng của đất nước Việt Nam”. Không chỉ duyên dáng với chiếc áo dài đặc biệt của mình, cô gái đến từ mảnh đất Khánh Hoà này còn thể hiện rất hay ca khúc “Nha Trang- mùa thu lại về”.

Ảnh minh họa

Thí sinh Võ Thị Thùy Dung (Khánh Hòa).

Thí sinh Trần Ngọc Nguyên Khánh (SBD 20), đến từ tỉnh Lâm Đồng, đã chọn chiếc áo dài cách điệu màu nâu khá hiện đại, khoe được vẻ duyên dáng và thanh thoát của cô gái đất cao nguyên này. Nguyên Khánh chia sẻ, em muốn “khoe” vẻ đẹp của mảnh đất Đà Lạt – mảnh đất Hoa, bởi vậy chiếc áo dài của em được vẽ hoạ tiết hoa sen khô, cũng như mang sắc màu của những đoá sen khô.

Hầu hết các thí sinh đều thể hiện sự tự hào của người con gái Việt khi được khoác lên mình chiếc áo dài rất nổi tiếng của Việt Nam, tượng trưng cho nét văn hoá dân tộc Việt. Thí sinh Nguyễn Thị Út Chín (SBD 06), đến từ Quảng Bình chia sẻ: Chiếc áo dài là hồn cốt của đất nước Việt Nam, mang tới sự duyên dáng cho người con gái Việt Nam. Cùng chung suy nghĩ này, thí sinh Lê Thị Thảo Ly (SBD 23) khẳng định, chiếc áo dài mang lại vẻ đẹp, sự dịu dàng và duyên dáng cho mỗi người phụ nữ Việt Nam, góp phần tôn vinh người phụ nữ. Và đặc biệt, đó là điều để mỗi người Việt Nam thấy tự hào: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”…

Ảnh minh họa

Các thí sinh chờ đến lượt thi.

Tôn vinh những bản sắc văn hoá

Là cơ hội để “khoe” về văn hoá dân tộc mình, nên phần thi ứng xử thực sự đã đưa người nghe tới một hành trình khám phá các dân tộc anh em của Việt Nam. Thí sinh Ê đê, H’Tuyết Ayủn (SBD, 21 tuổi, SBD 03, đến từ Đắk Lắk là sinh viên CĐ Văn hoá nghệ thuật Đắk Lắk, đã “khoe” về truyền thống mẫu hệ của dân tộc Ê đê: Con cái trong nhà mang họ mẹ, người phụ nữ được coi trọng và có quyền bình đẳng trong gia đình. H’Tuyết Ayủn tâm sự, nhờ truyền thống mẫu hệ, con gái Ê đê rất mạnh mẽ và độc lập,  và cô rất tự hào mình là người con gái Ê đê, mang dòng họ của mẹ…

Cũng là một người con gái Ê đê,  thí sinh H’ Ăng Niê (SBD 32), đã “khoe” giọng ca khoẻ khoắn của mình trong điệu hát ru của dân tộc Ê đê.

Ảnh minh họa

Thí sinh Ka Brối, dân tộc K’Ho, (Lâm Đồng)

Thí sinh Ka Brối, dân tộc K’Ho, đến từ tỉnh Lâm Đồng, lại chia sẻ mong muốn được mang những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình đến “góp” trong cuộc thi Hoa hậu Các Dân tộc Việt Nam 2013; cũng như để học hỏi, tìm hiểu về các nét văn hoá của các dân tộc khác.
Thí sinh Thoòng Cooc Dinh, dân tộc Hoa lại mang đến chiếc áo dài sườn sám của dân tộc mình, và mong muốn nét văn hoá của dân tộc Hoa cũng sẽ được tôn vinh trong cuộc thi cùng với nét văn hoá của các dân tộc anh em khác trong đất nước.

Ảnh minh họa


Thoong Coọc Dinh (dân tộc Hoa) từng lọt top 16 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 tiếp tục tham dự cuộc thi lần này.

Có một điều đặc biệt, có tới 4 thí sinh tham dự cuộc thi đã từng có vị trí cao trong cuộc Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011 vẫn quay lại tham dự cuộc thi năm nay đó là: Thí sinh H’ Ăng Niê (SBD 32), dân tộc Ê đê, đã đạt danh hiệu “Người có thân hình đẹp nhất” của cuộc thi năm 2011; thí sinh  Thoong Coọc Dinh (SBD 08), dân tộc Hoa – top 16 của cuộc thi, Kiều Thị Kim Oanh, dân tộc Chăm, SBD 33 và thí sinh Vũ Trần Triều Thu, dân tộc Kinh, SBD 41. Theo các thí sinh cho biết, các em muốn trở lại cuộc thi một lần nữa, để khẳng định mình, để mong muốn có những vị trí cao hơn trong cuộc thi. Nhưng hơn hết, bởi đây thực sự là một cuộc thi có ý nghĩa và có giá trị rất cao: Tôn vinh tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tôn vinh những nét văn hoá dân tộc của đất nước Việt Nam.