Làm gì để đẩy lùi các tệ nạn trong lễ hội đầu xuân?

      Mặc dù ngay từ trong năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp quyết tâm đẩy lùi những tiêu cực trong mùa lễ hội 2013, nhưng thực tế những tệ nạn trong một số lễ hội vẫn “hoành hành” và biến tướng tinh vi, làm xói mòn các giá trị văn hóa và gây hoang mang, ức chế cho du khách.

      Những ngày đầu xuân, nhiều người không khỏi háo hức bởi không khí lễ hội tưng bừng tràn ngập trên khắp các vùng miền trong cả nước, nhưng mọi người cũng còn e dè trước những thông tin về các tệ nạn, tiêu cực trong một số lễ hội.

Đáng nói là những tệ nạn, tiêu cực trong các lễ hội năm nay không còn xa lạ mà đã tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước, năm nay đội lốt, biến tướng tinh vi hơn. Không cần “mục sở thị”, chỉ qua những hình ảnh và thông tin trên các mặt báo, người ta có thể hình dung được cảnh bát nháo ở một số lễ hội, trong đó có cả những lễ hội mang tầm quốc gia. Những cảnh tượng như: chen lấn, xô đẩy, tranh giành trong nơi thờ tự, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, hái lộc đầu xuân, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định, “ép” các tượng Phật phải nhận tiền, biến cõi thiêng thành nơi buôn bán… đã không còn xa lạ với những ai đã từng tham gia trảy hội những năm trước. Nhưng cảnh trèo thang, bật tường rào để vào bái Phật như ở chùa Bái Đính năm nay thì quả là “độc nhất vô nhị”. Không chỉ ở Bái Đính, mà cả ở Chùa Hương, Yên Tử và một số lễ hội lớn khác ngay từ đầu năm đã thu hút hàng chục nghìn du khách đổ về nên hiện tượng ùn tắc cục bộ, “nhốt” khách chờ cáp treo và ô tô điện cũng không còn là hiện tượng hy hữu.

Cũng vì quá tải nên trảy hội đầu năm, nhiều du khách cảm thấy vất vả như đi đánh trận vì phải “trang bị” cho mình những kỹ năng như: bật tường, vượt rào, chen, đẩy…. Thế nhưng, có lẽ vẫn còn may hơn những du khách chẳng may bị “chặt chém, móc túi” giữa ban ngày khi sử dụng các dịch vụ ăn theo tại các lễ hội. Những ngày đầu xuân, dư luận không khỏi xôn xao và bất bình trước thông tin giá trông xe tại đền bà Chúa Kho từ 2.000 đồng đã đẩy lên đến 20.000 đồng, rồi dịch vụ cúng thuê với giá “cắt cổ” từ vài trăm nghìn tới hàng chục triệu đồng…

Nhức nhối nhất là nạn ăn xin vẫn “hoành hành” ở hầu khắp các lễ hội, năm nay được biến tướng tinh vi hơn. Khác với mọi năm, “đội quân” ăn xin không đơn thuần chỉ “phù phép, biến hóa” để đội lốt những người tàn tật, già, trẻ mồ côi mà còn cải trang thành những nhà sư tu hành để đánh vào tâm lý khách hành hương….

 Cần gìn giữ nét đẹp văn hóa của các lễ hội.
(Ảnh minh họa: vtc.vn)


Lễ hội là một hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, do nhân dân tạo ra, mang giá trị to lớn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tinh thần và ý thức cộng đồng, về cội nguồn, về truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước cùng nhiều giá trị nhân văn khác. Lễ hội giống như cây cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cõi tâm linh và đời sống tinh thần của con người thực tại. Đến với lễ hội để mỗi người hướng tới cái thiện, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Thế nhưng, nhìn vào một số lễ hội đầu xuân, chúng ta không khỏi buồn lòng khi nó tồn tại nhiều tiêu cực, làm méo mó và mất đi ý nghĩa cao đẹp vốn có của lễ hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian (có khoảng hơn 7.000 lễ hội) và các lễ hội này lại chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân. Vì thế, hiện tượng nở rộ lễ hội ở các địa phương, gây tốn kém, lãng phí mà lễ hội nào cũng na ná như nhau cũng đang là vấn đề đáng báo động trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm nay.

Trước những bất cập này, từ nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và tiến tới “xóa sổ” những tệ nạn, tiêu cực trong các mùa lễ hội nhưng dường như hiệu quả còn khá khiêm tốn.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2012, Bộ đã tiến hành kiểm tra 3.436 lượt tại các lễ hội nhưng chỉ phát hiện và xử phạt được 4 đơn vị vi phạm với tổng số tiền là 21.080.000 đồng. Trong năm 2013, với quyết tâm đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực trong lễ hội, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 6 đoàn kiểm tra liên tục kiểm tra công tác tổ chức ở các lễ hội trước và sau Tết. Với chủ trương không bỏ qua một lễ hội trọng điểm nào, thanh tra Bộ đã có mặt ở khắp các tỉnh thành có lễ hội: Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định… nhưng cho tới nay, thanh tra Bộ cũng chưa xử phạt được bất kỳ một vi phạm nào.

Theo ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo quy định của cơ chế quản lý thì các di tích, kể cả các di tích đặc biệt quốc gia cho tới cấp tỉnh thì Chính phủ và Bộ đều phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý. Chính vì vậy, nếu xảy ra vi phạm ở lễ hội thì trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương được giao trách nhiệm và cán bộ địa phương được giao theo sát lễ hội đó. Nhưng có một thực tế bất cập là, theo quy định hiện hành, nếu phát hiện ra sai phạm tại các lễ hội có chứng cứ rõ ràng thì cũng chỉ yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rất hiếm những trường hợp phải xử lý, mà thực tế từ trước tới nay chưa có tiền lệ xử lý cán bộ địa phương nào vi phạm trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Có lẽ cũng vì chế tài xử phạt trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội chưa đủ hoặc còn quá nhẹ nên hầu như không có sức răn đe. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho các tệ nạn, tiêu cực trong các lễ hội vẫn tiếp diễn hết năm này đến năm khác mà không có “thuốc đặc trị”.

Cũng theo ông Phạm Xuân Phúc, để giảm thiểu những tiêu cực trong lễ hội, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân mới là cái gốc của vấn đề.

Lễ hội vốn là một hoạt động văn hóa lành mạnh nhằm đáp ứng và nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nhưng nếu không kịp thời định hướng và quyết liệt đẩy lùi những tiêu cực ngay từ bây giờ mà vẫn duy trì cung cách tổ chức để các tệ nạn ngang nhiên “hoành hành” thách thức các cơ quan quản lý như hiện nay thì e rằng chẳng những tác dụng của việc tổ chức lễ hội sẽ không còn mà nó còn gây hiệu ứng ngược lại. Và tất nhiên, để làm được điều này, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần có sự “chung tay” góp sức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đặc biệt là ý thức, và nhận thức của mỗi người dân khi tham gia lễ hội./.