Nhiều bất ngờ và những cuộc đổi ngôi ngoạn mục

Sau 17 ngày tranh tài chính thức, Đại hội thể thao thế giới – Ô-lim-pích Ri-ô 2016 đã khép lại với 27 kỷ lục thế giới, 91 kỷ lục Ô-lim-pích được xác lập. Đã có những bất ngờ và đổi ngôi ngoạn mục: trong khi đoàn Mỹ vẫn giữ vững ngôi đầu trên bảng xếp hạng thành tích huy chương, đoàn Nga tiếp tục bảo vệ được ngôi vị thứ tư, thì ba vị trí còn lại trong tốp năm đoàn dẫn đầu có sự thay đổi. Đấu trường Thế vận hội cũng ghi nhận thành tích vượt bậc của thể thao Đông – Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Các cường quốc thể thao vẫn khẳng định vị thế

Đoàn Mỹ có hơn 500 vận động viên (VĐV) tham dự thì gần 80% trong số đó là sinh viên và nhiều người trong số họ đã lập thành tích vang dội, mang về nhiều Huy chương vàng (HCV). Đây cũng là quốc gia duy nhất không sử dụng ngân sách nhà nước mà thông qua các nguồn tài trợ xã hội hóa, thậm chí là đầu tư của chính các gia đình để VĐV tham dự các chương trình tập huấn nâng cao thành tích và thi đấu ở Ô-lim-pích. Giữ vững vị trí ngôi đầu với 46 HCV như kỳ Ô-lim-pích trước, đoàn Mỹ đã khẳng định vững chắc vị thế của một cường quốc thể thao thế giới. Đoàn Mỹ giành nhiều HCV nhất ở hai môn thể thao cơ bản là bơi lội (được 16 HCV) và điền kinh (được 13 HCV). Họ cũng thâu tóm luôn ngôi vị hàng đầu ở môn thể thao đòi hỏi cả sức mạnh lẫn kỹ thuật như thể dục dụng cụ với bốn HCV, đồng thời cũng thâu tóm toàn bộ HCV bóng rổ… Sức mạnh của đoàn Mỹ còn thể hiện qua những cá nhân xuất sắc như: Mai-cơn Pheo (bơi lội) giành năm HCV, Li-đếch-ki Cát-ti (bơi lội) giành bốn HCV, Bin Xi-mông (thể dục dụng cụ) giành bốn HCV. Trong năm kỳ Ô-lim-pích gần đây, ngoại trừ năm 2008 tụt xuống vị trí thứ hai, đoàn Mỹ đã có bốn lần giành ngôi đầu.

Đội bơi nghệ thuật Nga khẳng định vị thế hàng đầu thế giới với HCV tại Ô-lim-pích Ri-ô 2016.

Đoàn Vương quốc Anh gây bất ngờ lớn nhất tại Ô-lim-pích lần này khi vượt qua đoàn Trung Quốc để vươn lên đứng thứ nhì trên bảng xếp hạng. Thành công của đoàn Anh được xem là lớn nhất trong lịch sử 108 năm tham dự đấu trường này khi vượt chỉ tiêu đoạt 27 HCV, 23 Huy chương bạc (HCB), 17 Huy chương đồng (HCĐ), phá 11 kỷ lục thế giới, trong đó khối các VĐV giành huy chương từ ngân sách quốc gia chiếm khoảng 67%, số còn lại là đóng góp từ các câu lạc bộ tư nhân. Thành công của đoàn Anh đến từ những VĐV xuất sắc như: kình ngư A-đam Pi-ti phá kỷ lục thế giới nội dung bơi 100 m ếch nam, Mo Pha-ra giành hai HCV điền kinh ở nội dung chạy 5.000 m và 10.000 m nam. Cũng phải nói thêm, đoàn Anh đã bảo vệ thành công HCV ở 14 nội dung tại Ô-lim-pích Ri-ô 2016. Được biết, Chính phủ Anh đầu tư 453 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng) cho các VĐV tham dự Ô-lim-pích Ri-ô 2016, tính ra họ chi phí trung bình khoảng 151 tỷ đồng cho một huy chương và mỗi VĐV Anh dự Ô-lim-pích lần này được đầu tư trung bình khoảng hơn 25 tỷ đồng.

Một bất ngờ khác là thành tích của đoàn Trung Quốc đang có vẻ đi xuống qua hai kỳ Ô-lim-pích liên tiếp. Chiếm ngôi đầu ở Ô-lim-pích Bắc Kinh năm 2008 khi họ đăng cai tổ chức, nhưng thể thao Trung Quốc đã tụt xuống vị trí xếp hạng thành tích thứ hai tại Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 và tiếp tục bị đẩy xuống vị trí thứ ba ở Thế vận hội lần này. Ở một số môn thể thao mà họ vẫn thống trị lâu nay cũng đã có sự đổi ngôi ngoạn mục. Các VĐV đại diện cho quốc gia đông dân nhất thế giới đã không hoàn thành chỉ tiêu đề ra trước khi lên đường sang Bra-xin là đoạt 36 HCV bởi thất bại mang tính “sụp đổ hệ thống”. Lần đầu tiên trong 32 năm, thể dục dụng cụ Trung Quốc không thể giành HCV và HCB ở Ô-lim-pích. Đây được xem là “cú sốc” nếu biết rằng tám năm trước đoàn chủ nhà từng giành 11 HCV. Cầu lông cũng để rơi HCV ở một số nội dung quan trọng. Nhiều VĐV bắn súng, bơi lội của Trung Quốc cũng không giành được HCV như dự kiến khiến họ hụt chỉ tiêu 10 HCV, chỉ có được 26 HCV. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là cường quốc số một ở nhiều môn như nhảy cầu khi có bảy HCV, cử tạ được năm HCV và bóng bàn được bốn HCV.

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng việc đoàn Nga đã bảo vệ được ngôi vị thứ tư toàn đoàn trên bảng xếp hạng đã và đang được xem là thành công lớn của họ. Trước Thế vận hội lần này, thể thao Nga có khá nhiều VĐV bị cấm thi đấu, chủ yếu là điền kinh, do cáo buộc liên quan đến đô-pinh, ước tính giảm khoảng một phần ba số lượng VĐV tham dự và bị “mất” khoảng 10 HCV gần như chắc chắn sẽ có nếu VĐV được thi đấu. Tuy nhiên, cũng tại Ô-lim-pích Ri-ô 2016, với 19 HCV đoạt được, đoàn Nga vẫn có được vị trí thứ tư như bốn năm trước và chỉ kém đi có ba HCV so với thành tích tại Ô-lim-pích Luân Đôn 2012. Điều đáng tiếc nhất của đoàn Nga chính là không giành được ngôi đầu ở môn giu-đô. Tham dự với đầy đủ 11 VĐV, đoàn Nga chỉ giành hai HCV, bằng với đoàn Pháp và kém đoàn Nhật Bản (ba HCV)…

“Bản đồ thành tích” Ô-lim-pích được điều chỉnh

Sau Ô-lim-pích Ri-ô 2016, bản đồ thể thao thế giới đã được điều chỉnh lại. Giới chuyên môn giờ đây gọi những nước như: Gia-mai-ca, Kê-ni-a, Ê-ti-ô-pi-a là những cường quốc về điền kinh; Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, A-déc-bai-gian là những cường quốc vật; Cu-ba, U-dơ-bê-ki-xtan là các cường quốc đấm bốc; CHDCND Triều Tiên, Thái-lan là các cường quốc cử tạ… Việt Nam với ngôi vô địch bắn súng của Hoàng Xuân Vinh đã gia nhập nhóm chín quốc gia lần đầu giành HCV Ô-lim-pích. Tấm HCV và HCB của Hoàng Xuân Vinh cũng đóng góp vào thành tích nổi bật của thể thao Đông- Nam Á trên đấu trường Thế vận hội. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử, các nước Đông – Nam Á đã giành được sáu HCV tại đấu trường Ô-lim-pích. Thái-lan vẫn chứng tỏ vị trí số một với hai HCV ở môn cử tạ. Việt Nam, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin đều có một HCV. Thành tích tốt nhất trước đây của các nước thuộc khu vực này là tại Ô-lim-pích A-ten 2004 khi đoạt được bốn HCV. Tại Ô-lim-pích Luân Đôn 2012, các nước Đông-Nam Á thậm chí còn không giành HCV nào. Đáng quý nhất là Việt Nam và Xin-ga-po đã mang về cho khu vực hai tấm HCV đầu tiên ở môn bắn súng và bơi, từ thành tích của Hoàng Xuân Vinh và Xcun-linh. Kình ngư của Xin-ga-po còn vượt qua cả kình ngư huyền thoại Mai-cơn Pheo. Cuộc đổi ngôi ngoạn mục ở Thế vận hội còn thể hiện ở tấm HCV giành được từ ngôi vô địch của đội tuyển bóng bầu dục nam đến từ đất nước Phi-gi có hơn 900 nghìn dân, từng là thuộc địa của Anh, đã thắng áp đảo đội tuyển Anh với tỷ số quá đậm 43-7 trong trận chung kết.

Ô-lim-pích Ri-ô 2016 cũng ghi nhận những đóng góp lớn lao của nước chủ nhà Bra-xin. Mặc dù suy thoái kinh tế, các tập đoàn lớn của Bra-xin đều rơi vào khó khăn, đời sống kinh tế khó khăn, song đất nước của xứ sở sam-ba vẫn dành tất cả các nguồn lực, tập trung đầu tư chuẩn bị về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thi đấu với quy mô lớn (hàng nghìn VĐV), đồng thời huy động các tình nguyện viên, nhân viên an ninh bảo đảm an toàn trong suốt thời gian diễn ra đại hội.

Làm gì để giữ vững kỳ tích “lần đầu” có HCV

Lần đầu tiên được ghi danh là quốc gia có HCV Ô-lim-pích, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường sang Bra-xin. Trước đó, khi xuất quân tham dự Ô-lim-pích Ri-ô 2016, ngay lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Thể dục – Thể thao cũng chưa thể định hình chắc chắn môn thể thao nào sẽ giành được huy chương, thậm chí bắn súng còn không được hy vọng bằng cử tạ. Tuy nhiên, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm và bản lĩnh thi đấu đã giúp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về HCV và HCB. Cũng phải nói thêm, ngoài thành tích xuất sắc của môn bắn súng và một số VĐV đấu kiếm, cầu lông có được những chiến thắng đơn lẻ trước các VĐV mạnh hơn, còn hầu hết các VĐV đều không đạt thành tích như mong đợi. Những ứng cử viên hàng đầu có khả năng cạnh tranh huy chương như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền thất bại khá nhanh chóng. Các VĐV chỉ hy vọng đạt thành tích cá nhân tốt nhất như Ánh Viên (bơi), Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh)… cũng không hoàn thành nhiệm vụ “vượt qua chính mình”. Nguyên nhân của sự thất bại có nhiều, song trong đó có phần trách nhiệm từ chính cơ quan chủ quản là Tổng cục Thể dục-Thể thao. Nhiều VĐV có tư tưởng sau khi giành được suất tham dự Ô-lim-pích 2016 là coi như đã “hoàn thành nhiệm vụ”, không coi trọng thành tích trên đấu trường Thế vận hội. Cũng vì thế mới có chuyện những VĐV như Tiến Minh (cầu lông), Văn Ngọc Tú (giu-đô) thi đấu mà không có huấn luyện viên, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) thì tập luyện thiếu tập trung…

Ô-lim-pích 2016 đã khép lại nhưng cũng mở ra phía trước những công việc cần làm, những hoạch định trước mắt và lâu dài để hướng tới kỳ Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020 tại Nhật Bản. Là một nước nghèo, song Việt Nam đã và đang bao cấp gần như toàn bộ cho các hoạt động tập luyện thi đấu của đoàn thể thao quốc gia. Nguồn ngân sách đó không nhiều lại bị dàn trải bởi còn phải tiêu tốn những khoản kinh phí không ít để tham dự những môn thi đấu không nằm trong chương trình Ô-lim-pích ở các kỳ SEA Games, các giải châu lục và thế giới. Đầu tư tập trung và hiệu quả vào những môn thể thao mũi nhọn với những quy hoạch mang tính chiến lược lâu dài, thể thao Việt Nam mới hy vọng có thêm những kỳ tích HCV và kỷ lục Ô-lim-pích ở kỳ Thế vận hội sẽ diễn ra sau bốn năm nữa tại Tô-ki-ô (Nhật Bản).

Nguồn Nhân dân